Ngành du lịch chỉ kỳ vọng thị trường nội địa

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế chưa biết khi nào mới mở cửa trở lại, khách nội địa được xem là cứu cánh cho ngành du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát. Thế nhưng, đợt dịch kéo dài chưa từng có trong lịch sử này đã làm tâm lý du khách có nhiều thay đổi, để khai thác được cũng không dễ dàng. 

Giải tỏa nút thắt tâm lý
Dịp nghỉ lễ 30-4 kéo dài 4 ngày là cơ hội để một số điểm du lịch thận trọng mở cửa trở lại sau thời gian dài ngủ đông. Song thời điểm các doanh nghiệp (DN), địa phương cũng như ngành du lịch ngắm tới có lẽ vẫn là cao điểm hè để tung ra nhiều chương trình, sản phẩm nhằm hút khách, nhất là nhóm khách gia đình. Dù vậy, dịch Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học thời gian dài, nên việc nghỉ hè chắc chắn không kéo dài như mọi năm. Bên cạnh đó, đa số người dân vẫn còn tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế nơi đông người, cũng như phải cân nhắc đi du lịch khi túi tiền mỏng đi vì dịch bệnh. 
Để giải tỏa tâm lý khách hàng, các DN lữ hành, hệ thống khách sạn, resort, các hiệp hội… đang lên kế hoạch cho nhiều chương trình kích cầu giảm giá. Thậm chí, để đảm bảo an toàn sau dịch, nhiều công ty lữ hành sẵn sàng làm tour nhóm nhỏ, ngắn ngày. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết: “Trước mắt, ngành du lịch TP sẽ khai thác khách nội địa, DN, đơn vị nào đánh giá an toàn mới được khai thác theo quy mô và số khách vừa phải, phù hợp với năng lực của mình. Các biện pháp phòng chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu khi hoạt động trở lại".
Ngành du lịch chỉ kỳ vọng thị trường nội địa ảnh 1 Một góc Vịnh Hạ Long.
“Làm tour nhỏ, ít khách lại kích cầu giảm giá khủng liệu có bảo đảm chất lượng dịch vụ. Đó là chưa tính yếu tố an toàn, dù các địa phương cam kết làm tốt nhưng tập trung đến các điểm du lịch cũng không thể không lo. Covid-19 kéo dài khiến nhiều người bức bối muốn đi đâu đó du lịch nhưng đi dịch vụ tệ lại thấp thỏm sẽ không thoải mái” - chị Lan Hương (quận 3, TPHCM) chia sẻ.
Thực ra suy nghĩ này không phải không có cơ sở. Theo các thông tin nhiều hiệp hội du lịch các tỉnh/thành chia sẻ, mức giảm giá trong các chương trình kích cầu dịp này có thể lên tới 30, 40 thậm chí 50%. Mức giảm giá này dựa vào cái “bắt tay” của DN lữ hành với khách sạn, nhà hàng, các hãng hàng không, vận chuyển mặt đất… khiến thời gian tour bị cắt xén, các dịch vụ khác cũng không hoàn thiện…
Những năm gần đây ngành du lịch Việt Nam đã chú trọng thu hút khách du lịch nội địa. Chỉ tính riêng năm 2019 đã đón hơn 85 triệu lượt khách. Song vẫn phải nhìn một thực tế là người dân chưa hài lòng với du lịch trong nước. Lý do giá tour trong nước cao hơn đi nước ngoài, dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp. Những liên kết lỏng lẻo, sợ thiệt hơn giữa các đơn vị như hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến… đã khiến giá tour trong nước bị đẩy lên cao. Liệu sau dịch này những mối liên kết lỏng lẻo này có được cải thiện. 
Nhìn qua Thái Lan có thể thấy chính phủ nước này điều hành các chương trình du lịch mang tính thống nhất cao. Chính phủ điều phối để không đơn vị nào vượt giá quy định, sau đó thu lại từ du khách thông qua các hoạt động giải trí, mua sắm, vui chơi. Nguồn thu này được phân bổ đều cho các mắt xích trong chuỗi liên kết, đảm bảo tất cả đều hưởng lợi. Điều này không chỉ giúp Thái Lan thu hút du khách trong nước mà còn hút nhiều khách nước ngoài. 

Cải tổ du lịch trong nước
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, việc thu hút du khách nước ngoài chỉ có thể tái khởi động từ cuối năm nay, thậm chí phải qua đầu năm 2021. Vì thế, đây là thời điểm Việt Nam cần nhìn lại các chính sách của mình, không chỉ phục vụ cho thời điểm sau dịch, mà còn cho hành trình dài trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài bền vững. 
Trước hết là các chương trình quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Images Travel, công tác quảng bá của ngành du lịch vẫn chưa hiệu quả. Ngay tại thị trường châu Âu (thị trường khách chủ lực của Images Travel) nhiều quốc gia gần như không biết đến Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á được họ quan tâm hơn nhờ các chương trình quảng bá hiệu quả. Vấn đề không phải là kinh phí mà là cách thức thực hiện. 
Thí dụ, ở Thái Lan, để vực dậy ngành du lịch sau khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A (H1N1), nước này đã tập trung các hoạt động marketing trên mạng, thông qua việc khai thác và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mạng Youtube, Myspace, Facebook và Twitter. Những cuộc phỏng vấn chuyên nghiệp với khách du lịch được thực hiện và đăng tải trên tất cả trang mạng xã hội nhằm lôi kéo sự quan tâm và bình luận của du khách khắp nơi trên thế giới. Đây là cách làm chúng ta có thể tìm hiểu để áp dụng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. 
Một câu chuyện tưởng cũ nhưng luôn nóng với du lịch Việt Nam đó là chính sách thị thực. Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia miễn thị thực, thời gian miễn thị thực cũng phải kéo dài hơn để hấp dẫn khách nước ngoài. Ngoài ra cần giảm thuế phí sân bay để giúp hạ giá thành vé máy bay tới Việt Nam. Như vậy mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực. Khi dịch được kiểm soát trên diện rộng, cũng có nghĩa các quốc gia sẽ khởi động nhiều chương trình vực dậy ngành du lịch của mình. Nếu Việt Nam không đưa ra các quyết sách chính xác, nhanh chóng, việc “đi sau hít khói” sẽ khó tránh khỏi.
 Kích cầu cuối cùng là để thu hút khách, nhưng với quá nhiều vướng mắc, cần xem lại chiến lược phát triển du lịch, cũng như cần “nhạc trưởng” để điều phối. Nhạc trưởng ấy chính là Nhà nước. 

Các tin khác