Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) vừa chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các địa phương đánh giá tình hình, có những giải pháp trước mắt, lâu dài để hạn chế tối đa ảnh hưởng tác động bất lợi đến du lịch Việt Nam. Cơ quan quản lý về du lịch đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, làm việc với một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội, TPHCM… tìm giải pháp vượt khó.
Nâng chất lượng, giảm giá sâu
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, những ngày gần đây, khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột, đồng thời nhiều khách du lịch Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng việc du khách thị trường Trung Quốc giảm sút đột ngột chưa hẳn đã là tín hiệu buồn. Ông Tuấn phân tích, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất trên thế giới, vì thế về lâu dài ta không thể bỏ qua được thị trường này. Nhưng khách du lịch Trung Quốc cũng có nhiều mặt hạn chế, như phân thúc thị trường chi tiêu thấp lại chiếm thị phần lớn, đặc biệt khách đi bằng đường bộ.
Hơn nữa, đối tượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ đang chịu sự can thiệp sâu của các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc bằng cách giảm giá đến mức thấp nhất tour đến Việt Nam. Điều này đang làm mất đi hình ảnh du lịch của Việt Nam. “Đây cũng là thời điểm để củng cố lại các hoạt động này để chuẩn bị cho bước hợp tác du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó, thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều bất trắc khi Trung Quốc thay đổi các chính sách đối ngoại như thời điểm này là một thí dụ. Do đó, đây cũng là lúc người làm du lịch cần có sự chuyển hướng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
![]() |
Khách Trung Quốc mua sắm tại chợ Hàn, TP Đà Nẵng. |
Theo ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết bên cạnh hàng loạt giải pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách ngành du lịch cùng các ban, ngành liên quan triển khai rất tốt thời gian qua, yêu cầu cấp thiết ngay lúc này là cần đẩy mạnh quảng bá đến du khách Trung Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ có cộng đồng sử dụng tiếng Hoa như Đài Loan, S
ingapore, Hồng Công… hiểu rõ môi trường du lịch Việt Nam vẫn rất ổn định, thân thiện và luôn chào đón họ. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho rằng truyền thông cần phải lên tiếng để du khách biết đây chỉ là những hành động cá biệt và đã được chấn chỉnh. Như vậy du khách Trung Quốc sẽ an tâm và tiếp tục chọn điểm đến Việt Nam.
Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc Khách sạn Rex, đề nghị các đơn vị hàng không, khách sạn và lữ hành cùng nhau bắt tay để tạo nên các chương trình kích cầu du lịch quốc tế, giảm giá thật sâu các hành trình, tạo điều kiện thu hút không chỉ khách Trung Quốc, thị trường các nước có người dân sử dụng tiếng Hoa mà toàn thể bạn bè khắp nơi trên thế giới cùng đến Việt Nam, để tận mắt chứng kiến và trải nghiệm về đất nước, con người chúng ta dù trong hoàn cảnh nào vẫn vô cùng thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước những khó khăn do việc đột ngột mất đi thị trường khách lớn, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những đề xuất để khắc phục những ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác những thị trường giàu tiềm năng có phân khúc chi tiêu cao như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Ấn Độ. Đặc biệt các doanh nghiệp kiến nghị mở rộng thêm đối tượng các quốc gia được miễn giảm thị thực khi vào nước ta, tạo môi trường du lịch ngày càng thông thoáng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thị thực thêm cho 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó là nhiều kiến nghị đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, như miễn giảm thuế đối với xe vận chuyển khách du lịch, hỗ trợ, giảm giá lệ phí làm visa, đơn giản các thủ tục hành chính tránh phiền hà cho du khách; Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch cần xem xét để xây dựng văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam ở một số thị trường du lịch trọng điểm.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cũng cho rằng bên cạnh việc TP triển khai nhiều chỉ đạo nhằm đảm bảo an ninh an toàn du lịch, thể hiện sự năng động, thân thiện, hiếu khách, một điểm đến du lịch hấp dẫn an toàn, các doanh nghiệp du lịch cũng cần thúc đẩy hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Doanh nghiệp phải xác định rõ nhận thức trong cán bộ, nhân viên đơn vị về việc không phân biệt đối xử, không có các hành động quá khích đối với du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Trung Quốc, thể hiện truyền thống hiếu khách, thân thiện và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, không để kẻ xấu lợi dụng tình hình, gây phương hại cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Ông Khánh cũng đề nghị ngành du lịch tổ chức ngay các đoàn Famtrip, Presstrip đến một số thị trường trọng điểm, thúc đẩy tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các doanh nghiệp liên kết, có chương trình khuyến mại kích cầu du lịch…
Với lời hứa của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn về việc Bộ VH-TT-DL cam kết đồng hành với các doanh nghiệp du lịch chủ động ứng phó sáng tạo, kịp thời trong tình hình khó khăn này, hy vọng ngành kinh doanh không khói sẽ vững vàng vượt sóng.