Ngành dược Việt Nam: Nhiều dư địa để phát triển bền vững

Ngành dược Việt Nam: Nhiều dư địa để phát triển bền vững

(ĐTTCO)-Đến nay, Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm có nhà máy, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Nhưng, số doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn cao hơn như: EU-GMP, Japan-GMP còn khá khiêm tốn. Trong khi, nhà xưởng, dây chuyền hiện đại tiêu chuẩn càng cao càng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất, tạo ra những loại thuốc có giá trị cao cạnh tranh được thuốc ngoại nhập và xuất khẩu.

GIÁ TRỊ THUỐC VIỆT

Công ty cổ phần Dược Hà Tây (HTP) là 1 trong 10 công ty dược Việt Nam uy tín được đánh giá bởi Vietnam Report. Đến nay, HTP đã có 6 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP với công suất hơn 1 tỷ đơn vị sản phẩm các loại/năm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại và nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2022, HTP đã khởi công xây dựng dự án “Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar” theo tiêu chuẩn PIC/s-GMP/Japan-GMP với công suất thiết kế 2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Ông Lê Xuân Thắng, Tổng Giám đốc HTP cho biết: “Tăng cường đầu tư về nhân lực, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại là chiến lược dài hạn và bền vững của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực, tiêu chuẩn sản phẩm. Đây cũng là mục tiêu để Dược Hà Tây không chỉ trở thành doanh nghiệp dược hàng đầu tại Việt Nam mà còn phát triển ra thị trường quốc tế”.

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Traphaco đã chọn hướng đi riêng là tập trung nghiên cứu và phát triển các loại thuốc đông dược. Doanh nghiệp này đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới để tăng năng lực cạnh tranh với việc xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO về đông dược; phát triển các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP…

Năm 2021, Traphaco đã “bắt tay” với tập đoàn dược phẩm DaeWoong (Hàn Quốc). Theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, sau khi hợp tác, DaeWoong đã chuyển giao công nghệ sản xuất một số loại thuốc đông dược giá trị cao cho Traphaco giúp nâng cao giá trị sản phẩm và doanh nghiệp.

Đó là 2 trong số nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị và hợp tác nước ngoài để nâng cao giá trị thuốc nội có thể cạnh tranh được với thuốc ngoại. Đồng thời đây cũng là những minh chứng về tiềm năng rất lớn của ngành dược Việt Nam. Theo Bộ Y tế, ngành dược có tốc độ tăng trưởng khá cao, 10%-12%. Năm 2022, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt giá trị hơn 6,2 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường và bước đầu đã xuất khẩu sang nhiều nước. Việt Nam đã xuất khẩu thuốc sang 8/10 nước Đông Nam Á, 22 thị trường châu Á khác; 20 nước châu Âu và châu Mỹ; 5 nước châu Phi.

HẠN CHẾ NĂNG LỰC

Mặc dù có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển nhưng thực tế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp dược Việt Nam trên thị trường và với các doanh nghiệp ngoại còn khá khiêm tốn. Theo Cục Quản lý Dược, cả nước hiện có khoảng 250 nhà máy sản xuất thuốc, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ thuốc. Trong số này, có 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO-GMP nhưng với các tiêu chuẩn GMP cao hơn như: EU, PICs, JAPAN, TCA… thì chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp.

GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cao hơn GMP-WHO còn rất thấp cho thấy những vấn đề cần phải quan tâm, đó là tiêu chuẩn cơ sở nhà xưởng chưa cao, chưa đáp ứng được việc tuân thủ các quy định rất khắt khe về quản lý chất lượng của hệ thống GMP tiên tiến dẫn tới sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh do giá trị thấp.

Trong sản xuất, Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu hóa dược, hoạt chất và tá dược chủ yếu từ các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ. Thậm chí, ngay cả với các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn WHO-GMP và cao hơn nhưng mới chỉ đang chú trọng xây dựng công thức, quy trình sản xuất thuốc mà chưa đầu tư nhiều về giá trị, đảm bảo hiệu quả của thuốc… Những hạn chế đó khiến sự phát triển của ngành dược còn khá hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Giá trị xuất khẩu thuốc của Việt Nam mới đạt khoảng 216 triệu USD - khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN có điều kiện tương tự.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược, các doanh nghiệp dược trong nước mới đáp ứng được nhu cầu của người dân và các cơ sở y tế về các loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Các sản phẩm thuốc đặc thù, đặc trị, thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm… vẫn phải nhập khẩu nên giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới đạt khoảng 50% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân.

NÂNG CAO TIÊU CHUẨN NHÀ XƯỞNG

Trong “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng phê duyệt đã chỉ rõ: Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường; phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất đạt khoảng 1 tỷ USD. Định hướng đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Để dược phẩm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được những mục tiêu nêu trên, đại diện Cục Quản lý Dược cho rằng, các doanh nghiệp dược cần đẩy mạnh hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp nước ngoài để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến trong bào chế, tối ưu hóa công thức và quy trình sản xuất thuốc. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sản xuất thuốc gốc (generic) nhằm giảm giá thành. Tuy nhiên, để có thể được chuyển giao, tiếp nhận công nghệ sản xuất các dạng bào chế thuốc hiện đại, giá trị cao, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn trong nâng cao tiêu chuẩn nhà xưởng, dây chuyền sản xuất và đội ngũ nhân lực.

Theo một số chuyên gia dược phẩm, việc đẩy mạnh nâng cấp, cải tiến và hoàn thiện hệ thống chất lượng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất thuốc theo các quy chuẩn ngày càng cao là yêu cầu bức thiết để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu.

GS.TS Lê Văn Truyền chia sẻ, để hiện thực hóa tiềm năng và đạt được các mục tiêu trên, vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh và thay đổi chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, vấn đề đầu tư cho hệ thống nhà xưởng, thiết bị sản xuất, kiểm nghiệm và hệ thống phụ trợ là rất quan trọng.

Trước khi xây dựng một nhà máy hiện đại, các chủ đầu tư cần phải xem xét các vấn đề như: sau khi hoàn thành nhà máy sẽ sản xuất những thuốc nào, phục vụ nhu cầu trong nước hay xuất khẩu, thị trường xuất khẩu nào là đích nhắm tới… Tất cả các vấn đề này đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định rõ ràng, chính xác mới có thể phát triển bền vững và tạo ra sản phẩm giá trị cao. Còn cơ quan quản lý cần tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tận dụng những lợi thế của nhau để cùng phát triển.

Các tin khác