CLB xuất khẩu tỷ đô

Ngành gỗ mang về 7 tỷ USD

(ĐTTCO) - Vượt qua nhiều khó khăn nội tại, những nỗ lực trong suốt năm qua của các DN trong ngành đã giúp ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cán đích với kim ngạch 7 tỷ USD.

(ĐTTCO) - Vượt qua nhiều khó khăn nội tại, những nỗ lực trong suốt năm qua của các DN trong ngành đã giúp ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cán đích với kim ngạch 7 tỷ USD.

Những bước tiến dài

Thống kê của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2015, cho thấy tuy xuất khẩu tháng 11 giảm so với tháng trước nhưng tính chung 11 tháng ngành gỗ vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 đạt 598 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng lên 6,14 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2014. Tính đến hết tháng 11, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ đạt 2,38 tỷ USD, tăng 17,8%; sang Nhật Bản gần 928 triệu USD, tăng 6,97%; sang Trung Quốc 831 triệu USD, tăng 2,03% so với cùng kỳ 2014. Và tháng 12 được kỳ vọng sẽ mang về kết quả cao để ngành gỗ hoàn thành kế hoạch năm 7 tỷ USD.

Nhìn vào chặng đường chung của ngành gỗ sẽ thấy những bước tiến dài của ngành trên chặng đường xuất khẩu những năm qua. Từ con số khiêm tốn 294 triệu USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2000, đến cuối năm 2014 tăng lên 6,2 tỷ USD, với tốc độ tăng bình quân 15%/năm và mốc 7 tỷ USD của năm 2015, chắc chắn ngành gỗ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng gỗ của thế giới khoảng 220-230 tỷ USD/năm. Riêng thị trường EU khoảng 85 tỷ USD/năm; thị trường Hoa Kỳ khoảng 27 tỷ USD/năm. Như vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 1-2 tỷ USD/năm, xuất khẩu vào EU 700-800 triệu USD/năm, chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng. Theo chia sẻ của ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, năm 2015 có nhiều đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam nên DN không phải chật vật tìm kiếm đơn hàng, thậm chí nhiều DN đã có hợp đồng qua năm 2016.

Có thể thấy tiềm năng cho ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vẫn còn nhiều. Song như một công thức quen thuộc, cơ hội luôn song hành với thách thức. Làm sao để đáp ứng tốt yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp đang là bài toán không dễ giải đối với nhiều DN. Hiện Việt Nam và EU đang đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), gọi tắt là VPA/FLEGT. Hiệp định này dự kiến được ký trong thời gian gần. FLEGT đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình chứng minh nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp, trong khi đó gỗ của Việt Nam lại được mua từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có chứng nhận đảm bảo gỗ hợp pháp.

Gỡ nút thắt từ hội nhập

Không quá hồ hởi như dệt may hay da giày khi nhắc đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương Việt Nam đã ký hoặc mới kết thúc đàm phán. Song ngành gỗ cũng có những mong chờ nhất định từ các FTA này. Chẳng hạn với TPP, nếu tính về thuế ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ không hưởng lợi nhiều, vì hiện nay thuế nhập khẩu của các nước thành viên chỉ từ 3-5% và theo lộ trình sẽ giảm xuống 0% dù không có TPP. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Hạnh, Tổng giám đốc CTCP Gỗ Liên Minh, trong số các nước thành viên TPP khoảng một nửa quốc gia có gỗ xuất khẩu Việt Nam có thể nhập về như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Chile, Canada... Việc nhập khẩu này mang lại lợi ích kinh tế khá nhiều. Thí dụ, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ rồi xuất khẩu sản phẩm gỗ ngược lại thị trường này, DN vừa bảo đảm được thị trường vừa đáp ứng được các quy định về việc không sử dụng gỗ rừng tự nhiên của nước sở tại. Tương tự với FTA Việt Nam - EU, khi DN trong nước mua gỗ của một số nước như Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển… sẽ có nhiều lợi ích như miễn thuế, đồng thời không phải mất tiền chi phí cho khảo sát, đánh giá việc cấp chứng chỉ về nguồn gốc gỗ.

Mặc dù nhìn thấy những lợi thế từ hội nhập, nhưng các DN trong ngành cũng đang có những tính toán về khó khăn, thách thức hội nhập quá sâu, rộng mang lại. “Việc Việt Nam ký kết nhiều FTA đã thu hút một lượng không nhỏ DN từ Trung Quốc, Đài Loan qua đầu tư hưởng lợi. Điều này sẽ tạo ra sức ép không nhỏ cho DN trong nước” - ông Đặng Quốc Hùng cho biết. Sức ép trước hết là sự cạnh tranh về lao động, bởi khi càng có nhiều DN hoạt động, nhu cầu về lao động cũng lớn lên và đương nhiên khó tránh khỏi sự lôi kéo người lao động, nhất là những lao động có tay nghề. Ngoài ra, việc nhiều DN ngoại đến Việt Nam xuất hàng có thể dẫn đến việc DN nội phải đối mặt với kiện chống bán phá giá rất cao do số lượng xuất khẩu tăng mạnh.

Chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: LONG THANH

Chế biến  sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: LONG THANH

Hội nhập còn đặt ra nhiều thách thức ở thị trường nội địa. Vài năm gần đây, một số DN đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, nhưng trước sự áp đảo của các sản phẩm ngoại nhập cùng tâm lý thích hàng ngoại của người tiêu dùng, DN cũng gặp không ít khó khăn. Nay thêm các FTA chắc chắn áp lực sẽ càng tăng. Trước thực tế này, trong hội thảo diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ trong việc xây dựng Dự án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Cụ thể đưa các hội chợ đồ gỗ nội địa (VIFA home) do HAWA tổ chức hàng năm tại TPHCM và Hà Nội vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Các tin khác