Ngành mía đường: Hệ quả đầu tư phong trào

Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về kết quả thực hiện Quyết định 26/2007/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy ngành mía đường gần như thất bại toàn diện ở tất cả chỉ tiêu đề ra (ngoại trừ tổng công suất các nhà máy).

Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về kết quả thực hiện Quyết định 26/2007/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy ngành mía đường gần như thất bại toàn diện ở tất cả chỉ tiêu đề ra (ngoại trừ tổng công suất các nhà máy).

Bất cập quy hoạch, đầu tư vùng nguyên liệu

Vụ mùa 2011-2012 cả nước có 39 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất thiết kế lên tới 129.200 tấn mía/ngày, vượt xa mục tiêu 105.000 tấn mía/ngày của Quyết định 26. Tuy nhiên điều đáng lo là khả năng cung ứng của vùng mía nguyên liệu lại rất thấp so với tổng công suất nhà máy đường.

Liên tục trong các năm qua, ngành mía đường luôn đau đầu vì tình trạng tranh giành mía nguyên liệu, dẫn đến việc thu mua cả mía chất lượng thấp, đẩy giá mía lên cao, chi phí vận chuyển và trung gian tăng cao không đáng có, góp phần đẩy giá thành sản xuất các nhà máy lên mức cao hơn nhiều so với khu vực.

Khả năng cung ứng mía nguyên liệu rất thấp so với tổng công suất các nhà máy đường. Ảnh: L. ANH

Khả năng cung ứng mía nguyên liệu rất thấp
so với tổng công suất các nhà máy đường. Ảnh: L. ANH

Thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp cho thấy giá thành sản xuất đường ở nước ta đang cao hơn 25-40% so với Thái Lan, trong đó cao nhất là ở Tây Nam bộ, khoảng 14.200 đồng/kg.

Phải thừa nhận một thực tế đáng buồn, Việt Nam là nước nông nghiệp song mấy chục năm qua không hề có sự đầu tư xứng đáng cho bộ giống mía quốc gia như Thái Lan và Philippines đã làm.

Thiếu cơ cấu giống mía phù hợp khiến xảy ra tình trạng mía chín đồng loạt khi vào chính vụ và rất khan hiếm vào đầu và cuối vụ, điều này làm dư thừa và thiếu mía cục bộ - mầm mống gây ra tình trạng tranh giành mía. Khi vào chính vụ, mía chín đồng loạt, dù các nhà máy đường chạy hết công suất nhưng nguyên liệu mía vẫn dồn ứ và nông dân chỉ biết khóc ròng. Trong khi đó, toàn vụ lại thiếu mía.

Lúc đầu vụ mặc dù mía chưa chín, chữ đường thấp nhưng các nhà máy vẫn tranh nhau mua, ép mía sớm để bù đắp cho lượng thiếu hụt lúc cuối mùa. Vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác đang làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

 Kinh nghiệm từ Thái Lan

Vào những năm 1984-1988, ngành mía đường Thái Lan cũng gặp tình trạng tương tự, lúc đó các nhà máy đường tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm Thái Lan, hay thiếu mía nguyên liệu cục bộ.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Thái Lan đã khuyến khích các nhà máy đường chuyển về khu vực Đông Bắc với các chính sách ưu đãi để sáp nhập, tăng công suất nhà máy, đồng thời đầu tư đồng bộ cho vùng mía nguyên liệu.

Chính phủ ngưng cấp giấy phép cho các nhà máy đường mới, nhưng chủ sở hữu các nhà máy đường  có thể đóng cửa nhà máy để xây dựng lại nhà máy mới có công suất lớn hơn tại khu vực khác. Đây là những thay đổi quan trọng đối với cấu trúc ngành mía đường, phân phối lại sản lượng đầu ra, dẫn đến sản lượng mía tăng mạnh, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc.

Vào những năm 1982-1985, sản lượng mía tại khu vực trung tâm Thái Lan đạt khoảng 13,2 triệu tấn, chiếm 58% sản lượng cả nước; đến vụ mùa 2008-2009 sản lượng mía khu vực này lên đến 21,78 triệu tấn, song chỉ còn chiếm tỷ trọng 33% sản lượng cả nước. Cùng thời điểm đó sản lượng mía khu vực Đông Bắc đã lên đến 22,75 triệu tấn, tăng tỷ trọng từ 14% lên 34% sản lượng cả nước.

Hiện tại Thái Lan có 46 nhà máy mía đường với tổng công suất thiết kế 880.000 tấn mía/ngày, công suất bình quân khoảng 19.130 tấn mía/ngày. Dự kiến vụ mùa 2011-2012 tổng công suất thiết kế sẽ tiếp tục được nâng lên hơn 900.000 tấn mía/ngày.

Tại Thái Lan, nhiều nhà máy đường thuộc sở hữu tư nhân, có chuỗi nhà máy đạt mức công suất rất lớn, lớn nhất phải kể đến hệ thống các nhà máy của Mitr Phol Group gồm 5 nhà máy với tổng công suất 130.500 tấn mía/ngày và Thai Roong Ruang Group gồm 7 nhà máy với tổng công suất 121.800 tấn mía/ngày.

Chính hình thức sở hữu này đã giúp tránh được tình trạng tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy cùng hệ thống, đồng thời đạt được hiệu quả  kinh tế theo quy mô cao nhất.

Từ bài học của Thái Lan cho thấy, bên cạnh việc phát triển bộ giống mía phù hợp (trách nhiệm chính thuộc về Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), ngành mía đường Việt Nam cần giải được bài toán đảm bảo nguồn cung mía nguyên liệu đủ cho công suất ngành.

Hiện nay vùng mía nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 70-80% công suất các nhà máy, do đó tăng công suất các nhà máy mà không phát triển kịp vùng nguyên liệu chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng.

Bên cạnh việc tăng công suất nhà máy đường ở những vùng mía nguyên liệu, điều rất quan trọng là phải sắp xếp lại vùng nguyên liệu của các nhà máy thông qua biện pháp sáp nhập nhà máy.

Các tin khác