Chi phí phát sinh tiền thuế mà doanh nghiệp nhựa nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc... phải chi trả dự kiến trong 5 năm tới là trên 3.000 tỷ đồng.
Hiệp hội nhựa cũng cho rằng khi tăng thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể chuyển sang mua nguyên liệu PP từ các nước trong khu vực FTA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi ấy không thể mua nguyên liệu PP với giá như trước đây (mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu từ khu vực này là 0%), vì người bán sẽ nâng giá lên tương ứng với giá của các nước ngoài khu vực FTA.
Theo tính toán, chi phí phát sinh các doanh nghiệp phải chi trả dành cho các nước trong khu vực FTA dự kiến trong 5 năm tới sẽ là 6.984 tỷ đồng (khoản chi phí này Nhà nước hoàn toàn không thu được mà các nước trong khu vực FTA sẽ được hưởng lợi toàn bộ khoản này).
Như vậy, nếu tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 6% thì các doanh nghiệp nhựa trong nước phải gánh thêm một khoản chi phí khổng lồ cho 5 năm tới là 9.984 tỷ đồng (3.000 tỷ + 6.984). Với chi phí này, các doanh nghiệp nhựa sẽ không dám đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Hiệp hội nhựa, khi giá thành nhập khẩu nguyên liệu PP tăng, trong khi nguyên liệu PP sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu, sẽ dẫn đến là giá nguyên liệu PP phục vụ sản xuất hàng hóa tăng. Hệ quả là giá thành sản phẩm tăng, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu PP lên 6% và 6,5%, giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu Nhựa PP là 3% như hiện nay.