Ngành thép - Họa vô đơn chí

Thông thường hoạt động của ngành thép khởi sắc vào những tháng cuối năm do vào mùa xây dựng. Thế nhưng hiện nay, nhiều DN thép vẫn  đang trong tình cảnh khó chồng lên khó.

Thông thường hoạt động của ngành thép khởi sắc vào những tháng cuối năm do vào mùa xây dựng. Thế nhưng hiện nay, nhiều DN thép vẫn  đang trong tình cảnh khó chồng lên khó.

Công suất chỉ 55%

Trong cuộc trao đổi với ĐTTC cách nay không lâu, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, còn khá lạc quan khi cho rằng lượng thép tồn kho 500.000 tấn không đến nỗi phải lo lắng, do đang bắt đầu vào mùa xây dựng, lượng thép tiêu thụ trong những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh.

 Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Thế nhưng thực tế đang đi ngược lại những nhận định của ông Cường. Bằng chứng trong tháng 9-2011 ngành thép chỉ tiêu thụ được khoảng 450.000 tấn, thấp hơn so với tháng 8 trong khi tháng 9 được xem là tháng bắt đầu mùa xây dựng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2011 mức tăng trưởng tiêu thụ thép bị âm. Bức tranh của ngành thép cuối năm 2011 có quá nhiều mảng tối.

Có ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội tốt nhằm sàng lọc những DN yếu kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, cân bằng quy hoạch cho ngành thép. Thế nhưng ngay cả những DN được cho là dẫn đầu trong ngành thép cũng cảm thấy ngán ngẩm trước tình hình hiện nay.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, chia sẻ: “Tình hình thực sự không tiến triển bao nhiêu. Vấn đề hàng tồn có thể giải quyết trong những tháng cuối năm. Nhưng hiện không ít DN đang hoạt động với 55% công suất, thậm chí thấp hơn. Đó mới là vấn đề đáng lo ngại”.

Chưa có thông tin chính thức liên quan đến bất kỳ DN thép nào phải tuyên bố phá sản, song nếu nhìn lại 9 tháng đầu năm 2011 có thể thấy các DN thép đang sống dở, chết dở trong tình cảnh “họa vô đơn chí”: cắt giảm đầu tư công; giá các nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 30% so với năm 2010 (riêng giá than tăng tới 41% kể từ tháng 4-2011, giá xăng dầu tăng từ 30-40%); lãi suất ngân hàng cao...

Dù hiện nay lãi suất đang có chiều hướng giảm, song còn ít DN tiếp cận được. Những khó khăn này dẫn đến nghịch cảnh dù lượng thép tiêu thụ tháng 9 giảm nhưng các DN thép vẫn buộc phải tăng giá bán từ 250.000-300.000 đồng/tấn.

Thị trường ít, trắc trở nhiều

Thị trường trong nước tiêu thụ chậm chạp, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến khích các DN tìm đường xuất khẩu. Song xuất khẩu cũng không dễ. Việc sản phẩm thép Việt Nam thâm nhập được thị trường khó tính Hoa Kỳ là một tín hiệu tốt để mở rộng sang các thị trường khác như EU, Trung Đông.

Song đó là tương lai, còn hiện tại ông Đỗ Duy Thái cho biết: “Xuất sang Hoa Kỳ chỉ là thép ống, còn thép xây dựng vẫn chỉ quẩn quanh ở các thị trường Lào, Myanmar, Campuchia.

Những thị trường này không thể làm giảm mối lo dư thừa thép xây dựng trong nước”. Tính đến hết năm 2010, tổng lượng thép xuất khẩu chỉ đạt 1,42 triệu tấn (kim ngạch 1,17 tỷ USD). Trong khi đó, năm 2010 nước ta nhập khẩu gần 11 triệu tấn thép nguyên liệu (kim ngạch lên tới gần 7 tỷ USD).

Như vậy, năm 2010 ngành thép nhập siêu đến 6 tỷ USD. Và lượng xuất khẩu trong năm 2011 cũng không tiến triển thêm nhiều. Chỉ tính riêng tập đoàn mạnh như Thép Việt, năm 2010 xuất khẩu chỉ chiếm 8% tổng doanh số và năm 2011 ước chỉ 10%.

Vì sao thép Việt Nam chưa thể tiến những bước dài trên con đường xuất khẩu khi đang được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh? Ai cũng biết việc xuất khẩu không chỉ giúp giải quyết một phần lượng thép dư thừa, mà còn mang về ngoại tệ để nhập nguyên liệu. Thế nhưng đang có nhiều khó khăn bủa vây.

Vài tháng trước, hiệp hội và DN đều than trời khi Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất đánh thuế 3% lên sản phẩm thép và phôi thép xuất khẩu. Mặc dù sau đó, bộ này cho hay sẽ ngừng đánh mức thuế này song DN thép cũng được một phen mệt nhoài. Câu chuyện thuế xuất khẩu chưa qua, trắc trở khác ập đến.

Mới đây, các DN thép Việt Nam nhận được cảnh  báo về việc có thể sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống phá giá tại một số quốc gia. Mặc dù sản lượng  thép xuất khẩu của Việt Nam chưa cao nhưng mức giá khá cạnh tranh và có tăng trưởng theo hàng năm nên các DN đang phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với khó khăn mới.

“Theo dự báo nếu tốc độ xuất khẩu thép của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng nhanh, có thể phía Hoa Kỳ sẽ áp dụng những rào cản thương mại. Nhưng tất cả đều chưa có thông tin chính xác” - đại diện một DN trong ngành chia sẻ.

Phía ông Cường, Chủ tịch hiệp hội, cũng từ chối cho biết thêm thông tin về vấn đề này. Dù chỉ là dự báo nguy cơ, nhưng các DN thép cũng nên chuẩn bị các giải pháp cho mình trong những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Các tin khác