Ngày đầu thu phí cảng biển tại TP.HCM ổn định, thông suốt

(ĐTTCO)- Trong ngày đầu tiên triển khai thu phí, việc khai báo và nộp phí của các doanh nghiệp đều diễn ra suôn sẻ theo hình thức trực tuyến và không có chốt hay trạm thu phí trực tiếp tại các cảng.  
Việc thu phí cảng biển trong ngày đầu diễn ra thuận lợi.
Việc thu phí cảng biển trong ngày đầu diễn ra thuận lợi.

Từ 0h00 hôm nay (1/4), TP.HCM bắt đầu chính thức thu phí hạ tầng cảng biển. Theo ghi nhận, trong ngày đầu triển khai thu phí, hệ thống thu phí hoạt động ổn định, thông suốt đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia vận hành chính thức. Đến 14h30, đã có hơn 2.500 tờ khai với số tiền phải nộp là hơn 2,9 tỷ đồng.

Trong ngày đầu tiên triển khai, việc khai báo và nộp phí của các doanh nghiệp đều diễn ra suôn sẻ. Do việc khai báo được triển khai trực tuyến nên không có chốt hay trạm thu phí ở các cảng. Hải quan TP.HCM cũng hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu và thông qua hệ thống thu phí Hải quan điện tử tự động, nhận diện được doanh nghiệp đã đóng phí hay chưa nên không có tình trạng ùn ứ.

“Hệ thống đã vận hành cơ bản tốt khi tất cả dữ liệu đầu vào đầu ra tại cảng đều đã được thực hiện. Bên cạnh đó, các cảng cũng đã thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc giám sát trên hệ thống”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM cho biết.

Theo thống kê, đến 14h30 ngày 1/4, số doanh nghiệp đăng kí nộp phí là hơn 1.730 doanh nghiệp, số lượng tờ khai phí là hơn 2.500 tờ khai với số tiền phải nộp là hơn 2.9 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng đài hỗ trợ đã nhận hơn 4.900 cuộc gọi của các doanh nghiệp…

Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, toàn bộ khoản tiền thu được ước tính khoảng 12.000 tỷ đồng cho 5 năm đã được đưa vào chương trình đầu tư công trung hạn của thành phố, do HĐND Thành phố thông qua. Nguồn kinh phí này dùng để sử dụng tái đầu tư phát triển các tuyến đường ra vào cảng, nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe tại các cảng trong điều kiện TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư công.

Theo dự kiến, đến 2025 có 14 dự án được TP.HCM ưu tiên bố trí vốn từ nguồn này như mở rộng đường Nguyễn Thị Định; hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy theo quy hoạch; khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa - trên Quốc lộ 1; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4…

Ngoài ra, nguồn thu phí cảng biển còn phục vụ nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp; nạo vét tuyến đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ…

“Số tiền thu được sẽ bù đắp một phần cho đầu tư công chung của TP.HCM trong 5 năm tới. Sở GTVT mong muốn việc thu phí được triển khai tốt sẽ giúp hạ tầng chung của TP.HCM có bước cải thiện đáng kể, từ đó phục vụ lại nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định.

Trước đó, TP.HCM đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022. Việc lùi thời điểm thu phí với số tiền 2.205 tỷ đồng tiền phí dự thu được coi như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt "bão" Covid-19.

Các tin khác