Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khuôn viên của đình đã có nhiều thay đổi so với thủa ban đầu, song may mắn là tại đây vẫn đang lưu giữ nguyên vẹn cửa võng bằng gỗ, một báu vật- kiệt tác của nghệ thuật chạm gỗ đất Kinh Bắc. Tháng 1-2020 vừa qua, cửa võng đình Diềm đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Kiệt tác điêu khắc gỗ
Đình Diềm hay còn gọi là đình Viêm Xá, xưa thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, nay thuộc thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Được hoàn thiện vào niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692), đình Diềm là một trong ngôi đình thuộc hàng “đệ nhất Kinh Bắc”. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao, trong đó cửa võng đình Diềm là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ độc nhất vô nhị.
Theo sử sách còn ghi lại, bức cửa võng này có khung niên đại trùng với niên đại tạo tác đình là năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Toàn bộ cửa võng được sơn son, thiếp vàng rực rỡ không một mảng trơn trống. Tầng nào của cửa võng cũng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng tứ linh Long- Ly – Quy - Phượng, những đề tài mang tính chất nhân sinh cao đẹp, đề cao cuộc sống con người lao động và tinh thần dân chủ cũng như khát vọng phồn thực, mong muốn sự sinh sôi nảy nở của con người trong cuộc sống…
Gắn bó với đình Diềm hàng chục năm và có hơn 10 năm trực tiếp trông giữ, coi sóc công việc thờ cúng của đình, ông Nguyễn Ngọc Bích, thủ từ đình Diềm, nhớ từng hình trạm, từng vết rạn trên bức cửa võng khổng lồ ấy. Theo ông Bích, cửa võng đình Diềm có chiều cao 7m, chiều rộng gần 4m, chạy dài từ thượng lương đến nền đình, được chia làm 5 tầng. Mỗi tầng đều được chạm khắc hết sức công phu, sống động với mỗi chủ đề khác nhau song giữa các tầng, các mảng có mối liên kết hài hòa, uyển chuyển.
Tầng trọng yếu của bức cửa võng nằm ở tầng thứ 4, lưu giữ nhiều hình chạm phản ánh sinh động bức tranh nông thôn như cụ già đánh cờ; người cưỡi voi, chim, thú. 6 trụ khoang phía bên trong chạm rồng cuốn cột, đầu quay lên chầu nhau qua cửa khám. 4 khoang nhỏ đều chạm thủng từng cặp rồng, trên và dưới cùng chầu vào bông hoa nhỏ.
3 khoang lớn tạo thành các khám ăn sâu vào 9 lớp hun hút, các diềm đứng của 3 lớp ngoài chạm thủng hình mây, các diềm ngang ở trên của 9 lớp chạm mây cách điệu trong bố cục dạ cá, lớp diềm nào 2 đầu cũng có hình tượng đầu rồng nhô ra đỡ. Mỗi khoang khám có 18 đầu rồng, 3 khám tổng cộng có 54 đầu rồng, tất cả đều thống nhất một phong cách, nhưng không lặp đi lặp lại đơn điệu, con nào cũng có dáng vẻ riêng, linh hoạt.
Mang đậm triết lý dân gian
Đền đình làng Diềm được coi là một dấu ấn thiêng liêng, là nơi cất lên tiếng ca khải hoàn đầu tiên trong chiến thắng giặc Tống vào một đêm tháng 3-1077. Chính vì thế mà dân gian xưa đã ghi nhận sự vẻ vang của đình làng Diềm trong công cuộc kháng Tống rằng: “Thứ nhất là đình Đông Khang. Thứ nhì đình Bảng. Vẻ vang đình Diềm”. Lễ hội năm nào ở cửa đình cũng căng biển lớn với 4 chữ “Vẻ vang đình Diềm” để nhắc nhớ đến bài thơ của Lý Thường Kiệt đã vang lên từ nơi đây.
Cửa võng đình Diềm có chức năng như làm bình phong để ngăn cách thế giới bên ngoài với nơi an vị của các đức thánh, đồng thời là điểm nhấn trung tâm trong di tích tạo nên nét đẹp độc đáo, độc nhất vô nhị trong nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình truyền thống.
Có nguồn gốc xuất xứ tại địa phương và cũng là sản phẩm nghệ thuật đặc sắc của các nghệ nhân vùng Kinh Bắc- Bắc Ninh để lại đến ngày nay. Hiện vật cửa võng đình Diềm là minh chứng cho kỹ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, độc đáo và tiêu biểu nhất cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng và cũng là minh chứng cho tài năng, sự khéo léo của các nghệ nhân đương thời.
Nét độc đáo cửa cửa võng đình Diềm không chỉ nằm ở vấn đề kích thước hay kỹ thuật chạm khắc, mà còn được thể hiện ở các chi tiết, chủ đề trang trí sinh động, độc đáo. Ngoài chủ đề quen thuộc trong các di tích đó là hệ thống tứ linh: Long- Ly- Quy- Phượng, các nghệ nhân dân gian đã lồng ghép vào tác phẩm của mình những chủ đề hết sức đời thường, đôi khi các nghệ nhân dân gian cũng muốn gửi gắm thông điệp về sự chán ghét trong xã hội phong kiến.
Việc xuất hiện nhiều hình tượng cô tiên trong các hình chạm khắc- theo lý giải của thủ từ đình Diềm có thể là phong cách sáng tạo dân gian đặc sắc tượng trưng cho nữ quyền. Song cũng có cách lý giải khác căn cứ thời điểm dựng đình (khi mà tinh thần dân gian vẫn ảnh hưởng khá mạnh tới nghệ thuật chạm khắc đình làng), thì các tượng đầu thiếu nữ, ngoài biểu tượng cho tiên nữ, còn có thể hiểu đó chính là vẻ đẹp của người con gái làng Diềm được tôn vinh, ngự trên đỉnh cao nơi linh thiêng đình làng.
Tại bức cửa võng này, cũng xuất hiện hình tượng nghệ thuật dân gian mang hàm nghĩa đề cao cuộc sống của người lao động và tinh thần dân chủ, vạch trần cuộc sống trụy lạc của tầng lớp thống trị và do đó hạ thấp uy quyền của giai cấp phong kiến.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thời điểm tạo tác cửa võng đình Diềm (1692), nằm trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 17, đây là thời kỳ nhân dân lao động đã có ý thức mạnh mẽ về quyền sống và quyền dân chủ, do đó nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự kìm hãm của chế độ phong kiến đã nổ ra.
Những tư tưởng phản ánh xã hội đương thời được thể hiện nhiều trên các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian, đó là tiền đề phát huy tinh thần sáng tạo đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đạt đến một trình độ cao- cửa võng đình Diềm là một ví dụ điển hình. Toàn bộ cửa võng là một bức tranh phong phú, chuyển tải thông điệp rõ ràng về nền nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, cũng như kỷ thuật sơn thếp truyền thống độc đáo của cha ông.