Nghệ thuật đầu tư tranh

(ĐTTCO) - Kết thúc năm 2022, giới đầu tư lại xôn xao, khi các nhà đấu giá hàng đầu thế giới công bố doanh thu và tổng hợp các tác phẩm đấu giá cao nhất. Trong khi đó, công chúng lại được phen “giật mình” với mức tiền định giá sau tiếng gõ búa kết thúc cuộc giao dịch.
Một buổi đấu giá tranh tại nhà Đấu giá Chọn.
Một buổi đấu giá tranh tại nhà Đấu giá Chọn.

Đứng đầu là “Shot Sage Blue Marilyn” (1964) của Andy Warhol giá 195 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng). Thứ 2 là “Les Poseuses Ensemble” (1888) của George Seurat 149,2 triệu USD (khoảng 3.700 tỷ đồng). Vị trí thứ 3 thuộc về bức sơn dầu trên vải “La Montagne Sainte Victore” (1888-1990) của Paul Cézanne 137,8 triệu USD (3.400 tỷ đồng).

Theo ước tính, doanh thu tổng cộng cả 3 nhà đấu giá lớn Christie, Sotherby’s và Philips đã bán các tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tập khác lên đến 17,2 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, Sotheby’s đã báo cáo doanh thu kỷ lục 7,4 tỷ USD và Philips 1,3 tỷ - cao hơn 8% so với năm 2021 và cao hơn 32% so với mức trước đại dịch vào năm 2019.

Tại Việt Nam, thị trường trong nước cũng không nằm ngoài xu thế bùng nổ của thị trường nghệ thuật thế giới, thể hiện qua việc tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam đạt mức giá kỷ lục trên các sàn đấu giá quốc tế, với ưu thế thuộc về các tác phẩm thuộc thế hệ họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương.

Giữ mức cao nhất hiện nay là “Cô Phương” (1930) của Mai Trung Thứ đạt mức 3,1 triệu USD (72,5 tỷ đồng), bức “Khỏa thân” (1931) của Lê Phổ 1,4 triệu USD (32 tỷ đồng), và còn nhiều tên tuổi khác như Lê Thị Lựu, Phạm Hậu, Nguyễn Phan Chánh… Các tác phẩm đều tăng gấp nhiều lần so với giá trị ban đầu của nó.

Bức tranh “Shot Sage Blue Marilyn” (1964) của Andy Warhol vẽ chân dung nữ diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe có giá kỷ lục 195 triệu USD.

Bức tranh “Shot Sage Blue Marilyn” (1964) của Andy Warhol vẽ chân dung nữ diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe có giá kỷ lục 195 triệu USD.

Câu hỏi đặt ra, tại sao giá trị nghệ thuật lại tăng phi mã như vậy? Mỗi lần tham gia đấu giá, giá trị của chúng lại tăng lên vài bậc, thậm chí hàng triệu lần. Nếu chúng ta quan sát sẽ thấy những người tham gia sở hữu tranh đều nằm trong top các tỷ phú, triệu phú thế giới. Liệu các họa sĩ, doanh nhân và nhà đầu tư Việt có thể tham gia thị trường này? Và điều kiện cho người chơi ở đây là gì? Có tiền là lẽ tất nhiên.

Nhưng thêm vào đó là sự hiểu biết không chỉ về giá trị nội dung và hình thức của mỗi tác phẩm, còn là sự am hiểu về họa sĩ, bối cảnh sáng tác, hay quá trình giao dịch của tác phẩm. Các nhà đầu tư nghệ thuật phải đối mặt với mức độ không chắc chắn cao. Theo nhận định của Don McNeil, phụ trách bộ sưu tập nghệ thuật của RBC Wealth Management (Mỹ), chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra với bất kỳ nghệ sĩ cụ thể nào?

Thật vậy, chưa nói đến việc đầu tư, chơi tranh cũng là nghệ thuật. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, chúng ta cần lưu ý một số yêu cầu như sau: a) Có vốn hiểu biết về nghệ thuật, nghệ sĩ và phong cách sáng tác của họ bằng cách tham gia các trưng bày triển lãm nghệ thuật để hiểu về gu thẩm mỹ bản thân và sự phát triển của thị trường; b) Xây dựng quan hệ với chủ sở hữu các gallery, nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật, nghệ sĩ và các nhà sưu tầm; c) Mua tác phẩm dựa vào chất lượng và không theo xu hướng trào lưu; d) Mua tác phẩm bạn thích và có thể treo ở bất cứ đâu trong không gian của bạn; e) Đa dạng hóa các tác phẩm nghệ thuật về chất liệu, loại hình có thể là tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy hoặc món đồ cổ, gốm…

Nghệ thuật là khoản đầu tư dài hạn, trong khi thị trường nghệ thuật có thể ổn định, thậm chí cho thấy lợi tức đầu tư khổng lồ trong thời kỳ bùng nổ, hoặc một tài sản có thể dễ dàng giảm giá trị trong thời kỳ suy thoái. Chủ sở hữu phòng trưng bày sẽ nói với bạn rằng mua tác phẩm nghệ thuật là quyết định cảm tính, nhưng đừng sa vào cách nghĩ đó nếu bạn đang coi đó là một khoản đầu tư. Nên có sự nghiên cứu bất kỳ nghệ sĩ nào bạn đang để ý tới. Bạn nên dành thời gian tìm hiểu về nền tảng nghệ thuật và hoàn cảnh sáng tác, hoa hồng và triển lãm của họ.

Đồng thời, thường xuyên ghé thăm các viện bảo tàng, phòng trưng bày và tổ chức nghệ thuật trong khu vực của bạn, để có thể nhận ra những người có tiềm năng thúc đẩy và gây chấn động trong khu vực của mình. Khi xem xét tác phẩm của một nghệ sĩ nổi tiếng, hãy nhận định, đánh giá, tìm hiểu chất lượng, không nên mua bất cứ thứ gì nếu cảm thấy chưa thoải mái.

Đầu tư nghệ thuật không giống đầu tư các mặt hàng khác như bất động sản, vàng, kim cương… về lợi nhuận cũng như tính chất. Không ít nhà đầu tư, khi mới bước chân vào lĩnh vực này, do chưa có kinh nghiệm đã không tránh được những sai lầm khi giao dịch. Đơn cử, trường hợp một nhà sưu tầm tranh khi công bố bộ sưu tầm mới mua của mình đã vướng vào những tranh cãi đáng tiếc về vấn đề bản quyền và không phải tranh nguyên gốc. Hoặc khi chúng ta đầu tư tiền mua những tác phẩm không được giới đầu tư quan tâm, cũng dẫn tới việc giao dịch không nhanh và mất nhiều thời gian lưu đọng vốn.

Tóm lại, nếu bạn có tiền, đầu tư vào nghệ thuật không chỉ có thể tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn, còn có thể là khoản đầu tư tốt nếu được thực hiện đúng. Tập trung vào các tác phẩm nguyên gốc và đặc biệt nhất vì nó có thể tăng giá trị, và bạn cần đảm bảo không bán trong thời kỳ suy thoái để có thể thu được nhiều nhất cho khoản đầu tư của mình. Và tất nhiên cần làm việc với một cố vấn đầu tư nghệ thuật-người hiểu môi trường đầu tư và sự phức tạp của thị trường nghệ thuật.

Ngoài ra, chiêu thức kinh doanh trong hoạt động nghệ thuật của các nhà đấu giá đòi hỏi sự tham gia của người môi giới. “Thị trường nghệ thuật không phản ánh ai là họa sĩ giỏi nhất. Bức tranh được định giá cao nhất không có nghĩa là đẹp nhất. Mua và bán tác phẩm nghệ thuật là hoạt động kinh doanh. Vì vậy, giá cả của nó được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, không phải chỉ chất lượng tác phẩm" - Mayank Jain, nhà đầu tư tại Bengalore (Ấn Độ).

Các tin khác