Nghệ thuật không khô cứng

Tâm lý chung, hễ cứ nghe đến các chương trình nghệ thuật phục vụ ngày lễ nào đó, công chúng lại tỏ ra ái ngại. Vì họ sợ phải chứng kiến những tác phẩm mang tính tuyên truyền và minh họa cho sự kiện. Thế nhưng, khi một dự án nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc, tác phẩm không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn tạo hứng thú cho xã hội. Vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” là một thí dụ sinh động và thuyết phục.

Tâm lý chung, hễ cứ nghe đến các chương trình nghệ thuật phục vụ ngày lễ nào đó, công chúng lại tỏ ra ái ngại. Vì họ sợ phải chứng kiến những tác phẩm mang tính tuyên truyền và minh họa cho sự kiện. Thế nhưng, khi một dự án nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc, tác phẩm không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn tạo hứng thú cho xã hội. Vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” là một thí dụ sinh động và thuyết phục.

Được Nhà hát Quân Đội dàn dựng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” khá hoành tráng và trẻ trung. Sau 2 đêm diễn được truyền hình trực tiếp, vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” xuất hiện trên các trang mạng và nhanh chóng được khán giả đón nhận. Rất nhiều cư dân internet đã dẫn đường link chia sẻ vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng”. Chỉ vài ngày đã có hàng ngàn lượt xem “Mảnh trăng cuối rừng” trên Youtube. Vốn là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu, “Mảnh trăng cuối rừng” đã có một lượng độc giả nhất định qua chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa. Thế nhưng, bất ngờ thay, cái không khí chiến tranh ngỡ già nua của “Mảnh trăng cuối rừng” lại được tái hiện đầy lôi cuốn bởi sàn diễn kịch nghệ hiện đại.

Toàn bộ câu chuyện “Mảnh trăng cuối rừng” được kể lại bằng âm nhạc. Hình ảnh những người lính kiêu hùng và lãng mạn được miêu tả theo giai điệu và ca từ những ca khúc Cô gái mở đường, Tôi người lái xe, Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính, Bước chân trên đỉnh Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn... 2 nhân vật chính trong “Mảnh trăng cuối rừng” là Nguyệt và Lãm như được lấp lánh thêm với một tinh thần sáng tạo khác.

Với ê-kíp thực hiện thực sự chuyên nghiệp, từ đạo diễn Bông Mai đến trang phục Đức Hùng và phần ánh sáng sân khấu do chuyên viên Thái Lan đảm trách, vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” không hề khô cứng như nhiều người dự liệu. 2 diễn viên chính Đông Hùng và Phương Linh trưởng thành từ cuộc thi Vietnam Idol đã phô diễn được vẻ đẹp của giọng hát hòa điệu với tâm hồn nhân vật.

Trường hợp vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối rừng” gây hứng thú cho cư dân mạng ít nhiều chứng minh nghệ thuật đích thực không bị kiềm chế bởi chủ đề nào. Sự kiện lịch sử hay ngày lễ kỷ niệm hoàn toàn có thể trở thành chất xúc tác để tác phẩm ra đời một cách trang trọng. Chỉ cần nghệ sĩ có tài và có tâm, nghệ thuật sẽ tỏa sáng trong mọi bối cảnh hình thành tác phẩm

Các tin khác