Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển vượt bậc về giao dịch và quy mô thanh khoản. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn lệnh giao dịch diễn ra suốt từ cuối năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm niềm tin cũng như lợi ích của nhà đầu tư.
Nghẽn lệnh giao dịch trở thành vấn đề “nóng” nhất của thị trường chứng khoán trong vài tháng trở lại đây vì hiện tượng này xảy ra liên tục, lặp đi lặp lại, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Giới chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ, dài hạn, cốt lõi nhất để nghẽn lệnh giao dịch không còn tiếp diễn là tự chủ được công nghệ vận hành thị trường chứng khoán.
“Trái tim” thị trường bị tổn thương
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI, thị trường chứng khoán đã bị "tổn thương" trong 3 tháng qua, khi hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) thường xuyên diễn ra nghẽn lệnh.
Có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.
Việc nghẽn lệnh được lãnh đạo HOSE giải thích là do số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống. Hệ thống của HOSE hiện sử dụng từ năm 2000 do đối tác Thái Lan cung cấp, với khả năng xử lý 900.000 lệnh ngày.
HOSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với đối tác Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012 trị giá 600 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay sau nhiều lần lỗi hẹn.
Trước đó, tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng từng kỳ vọng, năm 2021, hệ thống công nghệ thông tin do HOSE làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động sẽ giúp thực hiện được một số nghiệp vụ như: giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về. Đây là điều mà các tổ chức xếp hạng thị trường đang rất trông đợi.
Rõ ràng việc cải thiện, nâng cấp hạ tầng công nghệ giao dịch là rất quan trọng, tạo niềm tin và uy tín đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, hơn nữa đây còn là cơ sở nền tảng để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho rằng Chính phủ cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất mong muốn được các tổ chức quốc tế nâng cấp thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, thậm chí mong muốn xây dựng thị trường chứng khoán thành trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, nhưng thực tế là cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của một thị trường chứng khoán hiện đại.
“Nếu hạ tầng công nghệ lạc hậu thì làm sao có thể kỳ vọng vào sự đổi mới của thị trường chứng khoán,” ông Thịnh đặt câu hỏi.
Theo ông Thịnh, dù cơ quan quản lý năm nào cũng kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, nhưng hệ thống hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không thể đáp ứng được.
Việc nghẽn lệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, điều quan trọng là đội ngũ nhân lực phụ trách kỹ thuật cơ sở hạ tầng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa đáp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, vì thế cần nâng cấp đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ này.
Làm chủ công nghệ
Chia sẻ về tiến độ triển khai hệ thống mới, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE, cho biết các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 để triển khai công việc theo kế hoạch.
Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HOSE cũng đã thông báo tới các công ty chứng khoán chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.
Tuy nhiên theo ông Trà, tiến độ đó là trong điều kiện thuận lợi, còn việc khai trương hệ thống mới sẽ còn phụ thuộc vào khá nhiều điều kiện khách quan; trong đó, không thể không nhắc tới là rủi ro khó có thể lường trước đến từ đại dịch COVID-19 như đã thấy từ thực tế chậm trễ triển khai trong năm 2020.
Rõ ràng, việc phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đang tạo ra thế bị động trong vận hành thị trường chứng khoán, bởi cứ mỗi khi hệ thống gặp sự cố lại cần chuyên gia nước ngoài tư vấn, khắc phục sửa chữa.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, cho rằng nếu vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài rõ ràng là rất bất lợi, đơn cử như giai đoạn vừa qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam phải thực hiện cách ly, rất mất thời gian, chưa nói đến việc quy mô, định hướng thị trường tại mỗi nước là khác nhau.
Các chuyên gia nước ngoài có thể có góc độ xây dựng hệ thống giao dịch dựa trên mô hình của nước họ. Bên cạnh đó, nếu hệ thống xảy ra lỗi, việc phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài sẽ khiến cho chi phí sửa chữa tốn kém, phải chạy thử tương thích nên mất thời gian thử nghiệm.
“Chúng ta phải có bài toán dài hạn hơn và phải đầu tư rất mạnh vào công nghệ, hạ tầng, phải chú ý đến việc làm chủ công nghệ và coi đây là việc ưu tiên nhất trong giai đoạn hiện nay,” ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, nếu Việt Nam có khả năng thì tốt nhất là nên tự chủ về công nghệ. Việc tự chủ được công nghệ sẽ giúp nâng cấp, sửa chữa liên tục hệ thống giao dịch nếu xảy ra lỗi mà không phải chờ các chuyên gia nước ngoài. Thị trường không bị gián đoạn giao dịch thì sẽ tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, từ đó luôn luôn thu hút được dòng tiền mới tham gia thị trường.
Tự chủ công nghệ sẽ giúp xây dựng được hệ thống với đặc điểm riêng, phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này có lẽ tốt hơn là việc đi theo một thị trường đã phát triển trước chúng ta, hoặc là công nghệ chưa hẳn là đã cập nhật, tiên tiến nhất.
“Rõ ràng, tự chủ mang lại nhiều tiện ích. Qua tuyên bố của một số tập đoàn công nghệ trong nước, tôi hoàn toàn tin tưởng nội lực của Việt Nam sẽ thực hiện được việc khắc phục sự cố nghẽn lệnh,” ông Khánh nói.
Trong khi đó, Phó giáo sư, tiến sỹ Định Trọng Thịnh cho rằng hiện nay khả năng công nghệ của Việt Nam là không thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực, có khi còn vượt trội hơn. Ông tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận và làm chủ các công nghệ của thị trường chứng khoán.
Theo ông Thịnh, nếu làm chủ được công nghệ sẽ có rất nhiều thuận lợi, chẳng hạn như thông tin bí mật của thị trường sẽ không lộ, lọt ra ngoài. Các công việc xử lý hoàn toàn đơn giản do trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nên thông tin được truyền tải đầy đủ, dễ hiểu.
Tự chủ công nghệ giúp thời gian chỉnh sửa lỗi được rút ngắn, bởi thời gian trên thị trường chứng khoán là tiền nên điều này là rất quan trọng. Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí, do lương chuyên gia nước ngoài cao gấp nhiều lần chuyên gia trong nước.
Ngoài ra, tự chủ công nghệ còn giúp nâng cao tính trách nhiệm với doanh nghiệp và xã hội; nâng cao tính phù hợp của công nghệ với thực tế giao dịch của thị trường.
Đã đến lúc Việt Nam hoàn toàn và bắt buộc phải tự chủ về công nghệ đối với thị trường chứng khoán, nếu muốn chủ động, giảm chi phí. Ngay cả các ngành nghề khác cũng vậy, nếu muốn tiết kiệm, hiệu quả cao thì phải lập ra các chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt.
Qua sự việc nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán kéo dài trên sàn chứng khoán HOSE, ông Thịnh cũng cho rằng, thị trường chứng khoán thay đổi từng phút, từng giờ, chính vì thế các nhà quản lý thị trường cũng phải đặt mình trong trạng thái luôn luôn thay đổi.
Thực tế, trước tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua Bộ Tài chính cũng đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT, chia sẻ FPT là đơn vị có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển và triển khai ứng dụng trong ngành chứng khoán Việt Nam.
Từ những năm 2000, FPT đã phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ chí minh (HOSE) vào hoạt động tháng 7/2000.
Tiếp đó, FPT xây dựng thành công Hệ thống giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội-HNX (năm 2004), Hệ thống giao dịch Upcom (năm 2009), Hệ thống trái phiếu Chính phủ (năm 2012)
FPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Đăng ký, Lưu ký và Thanh toán bù trừ cho Trung tâm lưu ký -VSD (năm 2008), sau đó nâng cấp hệ thống này vào năm 2010.
Từ 2012 đến nay, FPT cũng là đơn vị xây dựng và triển khai thành công nhiều ứng dụng cho ngành chứng khoán như Hệ thống Giám sát các công ty niêm yết và Giám sát cho Ủy ban chứng khoán Việt Nam, Hệ thống giao dịch phái sinh cho HNX và VSD (từ năm 2017 đến nay), hệ thống Quản lý kho quỹ (2011-2012) và Hệ thống giao dịch giấy tờ có giá và thị trường mở cho Ngân hàng Nhà nước Việt nam (2015-2017).
“Nếu được tạo điều kiện, với sự hỗ trợ, hợp tác của các công ty chứng khoán, các bên liên quan và trong bối cảnh thuận lợi nhất, chúng tôi có thể cùng HOSE hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ khi chính thức bắt tay vào triển khai,” ông Triều nói.
Theo ông Triều, việc triển khai và hoàn thiện một hệ thống giao dịch chứng khoán là rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và đảm bảo tính chính xác và độ bền bỉ rất cao.
Nhưng với nhiều lợi thế như kinh nghiệm, năng lực công nghệ không ngừng được đầu tư, phát triển theo chuẩn quốc tế thời gian qua, nếu được trao nhiệm vụ, FPT sẵn sàng phối hợp với các đơn vị trong nước để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh cho hệ thống giao dịch chứng khoán của HOSE.