Nghèo nàn sản phẩm dịch vụ nông nghiệp nông thôn

(ĐTTCO) - Tại Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp nông thôn (NNNT) dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” tổ chức hôm qua 5-9 tại Hà Nội, đại diện Agribank cho rằng đầu tư vào khu vực NNNT ở Việt Nam còn rất hạn chế, chiếm tỷ trọng thấp, dàn trải nên chưa đáp ứng được nhu cầu, chỉ bằng 1,71% GDP và bằng 5,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
 Nguyên nhân chủ yếu do quá rủi ro trong khi thị trường bảo hiểm NNNT chưa phát triển. Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp vừa được Chính phủ ban hành nên việc triển khai còn hạn chế…
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp được coi là nền móng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, và việc phát triển một thị trường tài chính nông thôn rất quan trọng. Tài chính NNNT là việc cung cấp các sản phẩm tài chính bao gồm tiết kiệm hoặc gửi tiền, thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm; trong đó hoạt động tín dụng phải giữ vai trò nòng cốt để tạo nguồn vốn cho phát triển NNNT.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NH (thuộc NHNN), dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực NNNT bình quân tăng khoảng 20%/năm, luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Nghèo nàn sản phẩm dịch vụ nông nghiệp nông thôn ảnh 1
Tính đến cuối tháng 6-2018 dư nợ đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ chủ lực thuộc về Agribank với trên 930.000 tỷ đồng, NH Chính sách xã hội (NHCSXH) 170.700 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, các NHTM cổ phần cũng đẩy mạnh phát triển tín dụng NNNT, như NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đến này đã có dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ của NH.
Từ năm 2014 đến nay, NHNN cũng đã có 8 chương trình, chính sách dành cho các sản phẩm tín dụng đặc thù như thủy sản, lâm nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, cà phê…
Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro thiên tai, dịch bệnh, sự thay đổi của thị trường… Đã vậy lại còn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro. Vì vậy việc đầu tư của các NH đối với lĩnh vực NNNT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đó cũng là lý do đa phần các NHTM tiếng là đầu tư vốn cho NNNT, nhưng chủ yếu tập trung vào việc tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT có thị trường đầu ra như: thu mua tạm trữ thóc, gạo, cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu, và bước đầu cho vay các mô hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao. Các NHTM cũng hướng tới tài trợ các nhà cung ứng, nhà phân phối (chuỗi siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi) trong chuỗi cung ứng nông sản.
Theo đại diện SHB, cho vay đối với những doanh nghiệp, cá nhân là NNNT có thị trường các NH mới tiết kiệm chi phí giao dịch và quản lý dòng tiền. Như vậy có thể thấy rằng, tài chính nông thôn dành cho người nghèo theo hướng thị trường, và tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính NNNT cho người nghèo ở nông thôn vẫn chưa phải là đối tượng của các NHTM. 
Theo ông Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), thiếu tiếp cận tài chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng  thu nhập và bẫy đói nghèo. Khi người nghèo chưa có hoặc ít có cơ hội sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, thì tín dụng NNNT vẫn chưa đạt được mục tiêu toàn diện của mình.
  Nguồn vốn tín dụng chính sách của các NH đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NH Chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 31 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Đến nay, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Các tin khác