Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị định nêu rõ đối tượng áp dụng là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức; cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị định quy định việc mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Người mở tài khoản cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vị dân sự. Đối với người chưa thành niên khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật.
Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán ít nhất hai chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản. Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức hoặc cá nhân. Mục đích sử dụng tài khoản thanh toán chung, quyền và nghĩa vụ của các chủ tài khoản thanh toán chung và các quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản chung phải xác định rõ bằng văn bản.
Các tổ chức không phải là Ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện: có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức.
Tổ chức đó phải có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức; có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức xin phép phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách...
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ quy trình thủ tục hồ sơ cấp và cấp lại giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; phí dịch vụ; bồi thường thiệt hại; giải quyết tranh chấp; đảm bảo an toàn trong thanh toán.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26-3-2013.