Trung tâm trực thuộc UBND TP Thủ Đức, được kỳ vọng sẽ khắc phục bất cập hiện nay, góp phần cải thiện mạnh mẽ tình trạng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội ở TP Thủ Đức.
Quản lý chồng chéo, hạ tầng xuống cấp
Tình trạng chung của hạ tầng TP Thủ Đức (TPHCM) hiện nay là đường sá xuống cấp, thiếu kết nối vào giao thông khu vực. Ông Nguyễn Đức An (ngụ đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú) dẫn chứng, đường Nguyễn Hoàng là tuyến đường trọng điểm nối đường Lương Định Của với xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) nhưng vừa hẹp, vừa có nhiều “ổ voi”, “ổ gà”, người dân đi lại rất khó khăn.
“Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng địa phương chỉ dặm vá sơ sơ, rồi đâu lại vào đấy. Đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn đã xảy ra tại đây!”, ông An bức xúc nói. Ông bày tỏ mong muốn hoạt động của Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức sẽ giải quyết triệt để bất cập kể trên, cải thiện tình trạng hạ tầng trên địa bàn.
Đường Nguyễn Hoàng cũng như nhiều dự án khác ở TP Thủ Đức được xây dựng từ hơn 20 năm nay, nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng không thể đấu nối vào hệ thống giao thông chung, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.
Có thể kể đến dự án Khu dân cư Khang An; dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM; dự án Khu dân cư Phú Nhuận... Ngoài ra, hạ tầng của TP Thủ Đức đang chịu sự quản lý của địa phương cùng nhiều đơn vị như: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng), Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý đường thủy (đều thuộc Sở GTVT), Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở NN-PTNT).
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng hạ tầng trên địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo UBND TPHCM, việc phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý khác nhau trong một lĩnh vực như trên gây ra sự thiếu đồng bộ, dễ dẫn đến chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp còn xảy ra tình trạng gây khó khăn cho hoạt động của nhau, dẫn đến sự lãng phí, mất thời gian, giảm hoặc không phát huy được hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, năng lực của một số nhà thầu tham gia quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, không những không phát huy hết công năng và hiệu quả của tài sản công mà còn gây hạn chế, mất mỹ quan đô thị hoặc gây thất thoát.
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức được thí điểm thực hiện trong 3 năm, thay mặt UBND TPHCM thực hiện nhiều chức năng. Định kỳ 6 tháng, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM phải kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của trung tâm để báo cáo UBND TPHCM.
Tạo động lực phát triển chung
Theo UBND TPHCM, địa bàn quản lý hệ thống hạ tầng của các đơn vị rộng lớn, khối lượng công việc nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả quản lý duy tu, bảo trì. Cùng với đó là chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP Thủ Đức và gây ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng của người dân.
Mô hình quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện nay chưa đồng bộ, chưa phát huy tối đa được hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn. Điều này đòi hỏi phải có sự thống nhất trong quản lý chung về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng xã hội ở TP Thủ Đức. Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, góp phần tạo động lực cho sự phát triển chung của TPHCM cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, UBND TPHCM quyết định thí điểm thành lập Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức.
Trung tâm được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng - xã hội (công viên, cây xanh) trên địa bàn TP Thủ Đức (trừ các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - dự án PPP); tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Trung tâm cũng sẽ tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ liên quan ở TP Thủ Đức.
Trung tâm còn được giao thực hiện tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng - xã hội; quản lý chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật cũng như thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn TP Thủ Đức.
Dự kiến, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức tiếp nhận quản lý:
* Hơn 70% hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông đường bộ, cấp thoát nước, chiếu sáng) từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành TPHCM.
* Tiếp nhận 226 công trình hạ tầng thủy lợi và khoảng 84% hạ tầng xã hội liên quan.
* Hơn 915km hệ thống đường giao thông đường bộ.
* Gần 7 triệu m² diện tích mặt đường.