Do vậy, Nghị quyết 98 (NQ98) của Quốc hội vừa được ban hành, kỳ vọng sẽ tạo cú hích thu hút các nhà đầu tư, với cơ chế cho làm dự án BOT trên đường hiện hữu, BT trả chậm…
Nhiều dự án trông chờ
Quốc lộ 13 là cửa ngõ quan trọng của TPHCM nối với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây nguyên, đặc biệt kết nối với tỉnh Bình Dương - địa phương có tốc độ phát triển cao, năng động. Tại Bình Dương, tuyến đường này đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe. Trong khi đó đoạn qua địa bàn TPHCM vẫn còn 4-6 làn xe, hai bên đường cảnh quan đô thị nhếch nhác, nhiều đoạn không có vỉa hè.
Do đó, việc mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM rất được TP quan tâm. Tuy nhiên, dự án này gặp nhiều gian nan do bị điều chỉnh nhiều lần. Hàng ngày hàng ngàn phương tiện giao thông vẫn chen chúc nhau ra vào cửa ngõ này.
Cụ thể, hơn 20 năm trước, kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 - giai đoạn 1, đã được triển khai. Dự án do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được ký năm 2001.
Trong dự án này có công trình mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã 5 Đài Liệt Sĩ đến ngã 4 Bình Phước, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã 5 Đài Liệt Sĩ đến cầu Sài Gòn). Ban đầu dự kiến mở Quốc lộ 13 rộng 32m, sau đó TP yêu cầu nâng lên 53m. Do mức vốn vượt khả năng tài chính, sau khi làm xong cầu Bình Triệu 2, năm 2004 nhà đầu tư xin không tiếp tục tham gia dự án, vì liên quan đến nhiều vấn đề mà cơ chế không cho phép.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sau khi NQ98 có hiệu lực, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 sẽ là một trong những dự án áp dụng các cơ chế mới để kêu gọi thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, từ cơ chế của NQ98, TPHCM sẽ chuẩn bị đầu tư các dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và 2 tuyến đường trên cao cũng đang hình thành các danh mục chi tiết mời gọi đầu tư, tập trung chuẩn bị, triển khai thật nhanh, để năm 2024 có nhiều dự án triển khai bằng hình thức mới này. Tiêu biểu nhất là dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Tại kỳ họp HĐND TPHCM tuần qua, các đại biểu đã thông qua dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và năm 2025 sẽ triển khai khởi công, hoàn thành vào năm 2027. Cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ kết nối với Tây Ninh - Campuchia tạo sự kết nối liên vùng. Đặc biệt, đối với những dự án sử dụng từ quỹ đất dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2 và đường Vành đai 3, sẽ quy hoạch ngay quỹ đất, mời gọi nhà đầu tư và lợi nhuận sẽ tái đầu tư trở lại cho hạ tầng giao thông.
Khi NQ98 có hiệu lực, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 sẽ là một trong những dự án áp dụng các cơ chế mới để kêu gọi thu hút nhà đầu tư.
Theo ông Bằng, TPHCM đã rất sẵn sàng, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị bắt tay vào làm ngay các nhiệm vụ, kế hoạch chi tiết và triển khai ngay từ bây giờ. Các dự án giao thông sẽ lập tức chuyển mình khi NQ98 đi vào cuộc sống.
Khi đó, hàng loạt tuyến đường, các cây cầu kết nối sẽ được hình thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đặc biệt, diện mạo giao thông sẽ hình thành nhiều trục đường mới trong giai đoạn 2025-2030.
Tận dụng cơ chế mới
Với cơ chế mới, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước, các dự án BT sẽ áp dụng phương án trả chậm bằng ngân sách, tức doanh nghiệp làm xong ở giai đoạn này và được thanh toán vào kỳ sau. Chính phủ sẽ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý cùng các phương thức thanh, quyết toán khi thực hiện dự án theo hợp đồng BT.
Những chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án từ đầu. Đây là giải pháp tăng tính chủ động, linh hoạt khi xây dựng kế hoạch vốn của TP.
Với nhóm dự án thực hiện theo hình thức BOT, TPHCM sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các trục giao thông chính, kết nối vùng và quốc lộ đi qua địa bàn. Để chốt chọn công trình nào đầu tư trước, TP sẽ lấy ý kiến đồng thuận của người dân, cũng như tính giải pháp đảm bảo hiệu quả.
Ngoài các chính sách trên, cơ chế cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3, sẽ là đòn bẩy cho phát triển hạ tầng giao thông TP sắp tới.
Trước đó, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông ở được bố trí hơn 52.700 tỷ đồng, chiếm chưa đến 20% tổng nhu cầu. Con số này tương đương giai đoạn 5 năm trước đó, dù nhu cầu đầu tư, phát triển của đô thị hơn 10 triệu dân đã tăng lên nhiều lần.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết NQ98 được thông qua thực sự mang đến làn gió mới làm thay đổi diện mạo TPHCM. Hơn hết, đây cũng sẽ là cánh cửa mở ra nhiều cơ chế, tạo sức đột phá cho TPHCM.
Cụ thể, NQ98 sẽ cho phép TPHCM được làm BOT trên đường hiện hữu, cho phép thực hiện dự án BT trả chậm bằng tiền. Bên cạnh đó, TP sẽ được khai thác quỹ đất và hình thành các dự án độc lập được quy hoạch theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) của tuyến Metro số 1, Metro số 2 và một số nút giao, khu đất tiềm năng của đường Vành đai 3.
Ngay sau khi có NQ98, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị, thực hiện ngay chương trình hành động, phân công tổ công tác của nhiều sở, ngành. Riêng đối với ngành giao thông đã có Tổ tạo quỹ đất và nguồn lực từ TOD dọc đường Vành đai 3 và tuyến metro.
Đồng thời, Sở GTVT và Ban Giao thông được giao phối hợp lập dự án tiền khả thi, mời gọi đầu tư cho những dự án được ứng dụng cơ chế mới của NQ98. Hiện bài toán cân đối nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vẫn đang phải trông cậy đến 50% từ nguồn lực xã hội.
Cơ chế mới là sự cụ thể hóa, biến nguồn lực thành hiện thực và là cách xã hội hóa từ nguồn vốn, nhân lực trong tương lai. Trước mắt, các dự án Quốc lộ 22, 13, cầu đường Bình Tiên…, nếu mời gọi đầu tư thuận lợi sẽ huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng.