Những phần việc bếp núc để chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà là một truyền thống đẹp, bởi ngày tết thiêng liêng ở giá trị đoàn viên, con cháu biết cúi đầu tưởng nhớ tổ tiên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tết trở thành áp lực, nhất là với người trẻ thế hệ gen Y, gen Z. Bởi họ trưởng thành trong điều kiện sống ngày càng phát triển, có nhiều lựa chọn để nhẹ bớt những phần việc ngày tết, dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn sau một năm học tập, lao động.
Đừng để bữa cơm ngày tết trở thành áp lực cho nhau
Cao hơn một món ngon hay món ăn truyền thống theo mùa, chuyện vào bếp, nấu bánh hay dọn dẹp nhà cửa ngày tết chính là lúc kết nối các thành viên trong gia đình với nhau, để mỗi người cùng san sẻ các phần việc, người lớn dạy con trẻ cách cắm hoa, gói bánh… Giá trị đoàn viên là chất kết dính, gắn kết mỗi người trong từng câu chuyện thông qua bữa cơm đầu năm mới, chứ không phải lấy bữa cơm, món ăn truyền thống ngày tết làm thước đo chuẩn mực của sự khéo léo, để trở thành áp lực cho nhau.
Một năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện tại nhiều tỉnh, thành vẫn đang ghi nhận ca nhiễm ở mức cao, hơn lúc nào hết ngày tết chính là lúc để mỗi người thực sự được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng, chuyện lễ nghi, phong tục là điều không quên nhưng cũng cần giản lược. Bởi hơn hết, người ta cần nghỉ tết để thật sự thoải mái và thư giãn sau một năm dài. Chuyện ăn uống không nên trở thành áp lực để buộc người trẻ phải khéo léo, đảm đang vì trong đời sống hiện đại, những món ăn ngày tết đều dễ dàng mua được trong ngày thường…
Phong tục truyền thống là một nét đẹp cần duy trì, nhưng không phải vì thế mà cứ cứng nhắc hay áp đặt nhau với những lễ nghi xưa cũ. Những giá trị ngày tết cũng cần được hài hòa và nhìn nhận ở góc độ mới để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, người trẻ hiện đại có thể không quá khéo léo trong các phần việc nấu nướng, nhưng cũng phải hiểu đầy đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền, để ứng xử hài hòa, nhất là những gia đình nhiều thế hệ.