Nghịch cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ế xe buýt

(ĐTTCO) - Mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón trên 100.00 hành khách khiến các dịch vụ đưa đưa đón quá tải. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn “hờ hững” và không ưu tiên lựa chọn xe buýt, xe công cộng vào ra sân bay, gây nên cảnh ùn tắc ở cửa ngõ.

Hiện xe buýt sân bay vận hành chưa hiệu quả, 3 tuyến hoạt động trực tiếp tại sân bay kết nối rời rạc (Ảnh minh họa: Nguyễn Sử/VOVGT)
Hiện xe buýt sân bay vận hành chưa hiệu quả, 3 tuyến hoạt động trực tiếp tại sân bay kết nối rời rạc (Ảnh minh họa: Nguyễn Sử/VOVGT)

Tại sao xe buýt sân bay vẫn “ế” khách và cần giải quyết bài toán ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào? Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông - PGS. TS Phạm Xuân Mai.

PV: Vấn đề phân luồng tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang có những bất cập như thế nào?

PGS.TS Phạm Xuân Mai: Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, với thiết kế ban đầu 25 triệu hành khách/năm. Sắp tới, khi làm xong nhà ga T3 lên tới 50 triệu hành khách/năm. Nhưng hiện tại, chúng ta đang đón khoảng 42 triệu hành khách/năm, vào dịp Tết như năm vừa rồi, đỉnh điểm hơn 150.000 hành khách/ngày.

Nên việc phân luồng hành khách đến và đi ngay tại sân bay rất khó khăn.

Hiện có nhiều dạng hành khách đi bằng các phương tiện khác nhau như xe cá nhân, xe công nghệ, taxi và xe buýt. Theo tôi, cần sắp xếp phân luồng 4 dạng đó sao cho phù hợp, trước mắt nên ưu tiên xe buýt vì xe buýt vào được lượng khách lớn hơn.

Nhưng quả thực, hiện xe buýt sân bay vận hành chưa hiệu quả, 3 tuyến hoạt động trực tiếp tại sân bay kết nối rời rạc.

Bên cạnh đó, tại nhà ga quốc nội T1, ga đến và ga đi chung một chỗ sẽ khiến cho ùn tắc giao thông. Nên dành một nhà ga khách đến, một nhà ga khách đi để không bị chồng chéo.

PV: Dịch vụ taxi, xe công nghệ đưa khách rời ga tại sân bay lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Nhưng xe buýt giá rẻ thì lại “ế” khách. Ông có thể cho khán thính giả được biết nguyên nhân của tình trạng này?

PGS.TS Phạm Xuân Mai: Vấn đề nằm ở chỗ là tổ chức lại xe buýt như thế nào. Chứ hiện nay chúng ta cho xe buýt vào đỗ dừng khoảng 3-5 phút rồi lại chạy đi thì đó chưa gọi là xe buýt sân bay. Xe buýt sân bay cũng phải là xe sàn thấp và có khoang để hành lý.

Bởi hành khách đến và đi từ sân bay không phải như hành khách thông thường. Họ có hành lý, đồ đạc lỉnh kỉnh. Bởi vậy, cần phải xây dựng lại mô hình xe buýt sân bay.

Cũng giống như các quốc gia, cần phải có trạm trung tâm đặt tại sân bay, từ trạm đó mới đi về trạm địa phương đặt tại các khu vực như trạm chợ Bến Thành, trạm Chợ Lớn... bố trí các xe buýt nhỏ, xe buýt nhánh đưa hành khách về đến tận nhà mới được.

Vì vậy, phải xây dựng mạng lưới xe buýt sân bay có các trạm trung tâm và trạm địa phương (Local bus Station-LBS) thì mới mong có khách. Từ trạm LBS phải có các xe buýt nhỏ (mini buýt) khoảng 12-16 chỗ để đưa hành khách về tận nhà.

Khách thì đông mà buýt vẫn ế (Ảnh minh họa: Nguyễn Sử/VOVGT)

PV: Việc cải thiện chất lượng dịch vụ và tiện ích của xe buýt có thể góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc khu vực xung quanh sân bay và thu hút hành khách? Ông có thể đưa ra một số giải pháp cụ thể không?

PGS.TS Phạm Xuân Mai: Hệ thống xe buýt tại TP có hơn 100 tuyến, trong đó có nhiều tuyến được trợ giá, nhưng sản lượng hành khách vận chuyển được so với nhu cầu chỉ đạt khoảng 6% - 8%. So với các thành phố hiện đại trên thế giới, cần phải đảm bảo 60% trở lên, ví dụ như Seoul (Hàn Quốc) 68%, Singapore cũng tầm gần 70%.... sử dụng phương tiện công cộng.

Ùn tắc giao thông là việc dễ hiểu nên TP phải giải quyết hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Ở sân bay Tân Sơn Nhất, cần phải có trạm vận chuyển đa phương thức, ví dụ như sau này có nhánh tàu điện ngầm dưới sân bay và bằng nhiều phương thức khác nhau để di chuyển đến các địa điểm khác nhau, thậm chí đến cả bến xe miền Đông, bến xe miền Tây để về các tỉnh.

Đến năm 2025, sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất có thể lên đến 70 triệu hành khách/năm vì lúc đó sân bay Long Thành vẫn chưa thể khai trương được. Nếu không có phương án trạm vận chuyển đa phương thức thì bài toán ùn tắc vẫn diễn ra.

Bất kỳ TP nào cũng phải ít nhất có 2 trạm đa phương thức, như TPHCM phải có một trạm đi ra phía Bắc và một trạm phía Nam là về các tỉnh miền Tây.

Còn hoàn hảo thì phải có 4 trạm để người dân có thể đi được rất nhiều nơi, ví dụ như chọn tàu điện ngầm để vào TP, chọn xe buýt hoặc tàu điện để đi các đường vành đai về các tỉnh.... và như vậy, rất nhiều người không phải đi xuyên qua TP, không gây tắc nghẽn.

Theo tôi, việc vận chuyển hành khách đến và đi trên địa bàn TPHCM rất nên và cần thiết giao cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM trực tiếp quản lý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các tin khác