Tính đến nay, các ĐKKD thực sự được bãi bỏ chỉ 771, trong khi có 29 ĐKKD phát sinh. Tính tổng số ĐKKD hiện hành, việc cắt giảm mới đạt 12,5% so với 50% theo yêu cầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều ĐKKD được cắt giảm chẳng mang lại tác động gì. Trong khi có những quy định được bổ sung ĐKKD lại gây thêm khó khăn cho DN.
Thậm chí, nhiều ĐKKD sửa đổi lại gây khó khăn hơn cho DN. Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN. Tình trạng lạm dụng các ĐKKD, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến.
Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.
Trên thực tế, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ, điều dễ dàng nhận ra là sự nhập cuộc để thực hiện của các bộ, ngành còn chậm chạp. Thậm chí, nhiều bộ đến nay vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để thực hiện. Sự chậm trễ của các bộ, ngành cho thấy thực trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Do đó, để hạn chế tình trạng cài cắm quyền hành, lợi ích cục bộ, quá trình xây dựng chính sách, hay cải cách chính sách cần thay đổi, như cần sự độc lập, minh bạch và tham vấn rộng rãi trong quá trình này.
Hiện nay, nhiều cơ quan bộ, ngành né tránh quá trình tham vấn DN khi cắt giảm ĐKKD. Chính vì thế mới có chuyện Tổ Công tác thi hành Luật DN của Thủ tướng Chính phủ đầu những năm 2000 đã miệt mài đề xuất, thảo luận mấy năm trời mới bỏ được mấy trăm giấy phép con. Nhưng sau đó các bộ, ngành lại “đẻ” ra hàng trăm loại giấy phép, quy định xin-cho khác, thậm chí núp dưới những cái tên như thông báo, quy hoạch, xác nhận.
Để đẩy mạnh việc cắt giảm những ĐKKD, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng DN trong hoạt động rà soát pháp luật, cơ chế kiểm soát, thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh các bộ, ngành đề ra, nhằm điều chỉnh ĐKKD của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn.
Muốn vậy, cơ quan xây dựng chính sách phải tách khỏi cơ quan cấp phép để hạn chế tình trạng cài cắm chính sách. Đặc biệt, công tác xây dựng pháp luật thời gian tới cần có cơ chế giám sát, gác cổng cho quá trình ban hành văn bản mới, đặc biệt liên quan đến ĐKKD và thủ tục hành chính.