Nghịch lý dự trữ ngoại hối và ngân sách

(ĐTTCO) - Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đang ở mức cao nhất từ trước đến nay với con số hơn 40 tỷ USD. Đây là cơ sở để tỷ giá tiếp tục ổn định đến cuối năm và được hỗ trợ bởi những điểm tích cực từ việc nền kinh tế xuất siêu, thanh khoản ngân hàng (NH) dồi dào. Ngược với sự gia tăng của dữ trữ ngoại hối, ngân sách nhà nước (NSNN) lại đang phải đối diện với nhiều áp lực lớn.

(ĐTTCO) - Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đang ở mức cao nhất từ trước đến nay với con số hơn 40 tỷ USD. Đây là cơ sở để tỷ giá tiếp tục ổn định đến cuối năm và được hỗ trợ bởi những điểm tích cực từ việc nền kinh tế xuất siêu, thanh khoản ngân hàng (NH) dồi dào. Ngược với sự gia tăng của dữ trữ ngoại hối, ngân sách nhà nước (NSNN) lại đang phải đối diện với nhiều áp lực lớn.

Tính đến hết tháng 9-2016, NHNN đã mua được khoảng 11 tỷ USD, nâng tổng mức dự trữ ngoại hối của quốc gia lên hơn 40 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối là chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện sức mạnh tài chính, tính thanh khoản của quốc gia và sức mạnh của NH Trung ương trong bảo vệ tỷ giá. NHNN mua ngoại tệ chủ yếu từ các tổ chức tín dụng và hút lại tiền đồng qua kênh trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN. Dự trữ ngoại hối phụ thuộc quy mô của nền kinh tế, chính sách tỷ giá và thặng dư cán cân thanh toán.

Những quốc gia có chế độ tỷ giá hối đoái cố định hoặc thả nổi có kiểm soát thường có xu hướng dự trữ ngoại tệ lớn để phòng ngừa tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của một quốc gia thường được quản lý bởi NH Trung ương, bao gồm nhiều loại tài sản như tiền mặt và tiền gửi thuộc nhóm các ngoại tệ mạnh, vàng vật chất, các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ nước ngoài, tín phiếu, các chứng khoán khác.

Điều đáng nói, việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục gia tăng trong thời gian qua bởi tình trạng đô la hóa nền kinh tế giảm và thặng dư cán cân thanh toán. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục thặng dư 350 triệu USD, nâng mức thặng dư từ đầu năm lên 2,77 tỷ USD. Thêm vào đó, quy mô dự trữ ngoại hối được gia tăng tạo động lực để thanh khoản hệ thống NH luôn ở trạng thái dồi dào trong quý III vừa qua. Đây được xem là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam chủ động hơn trong ứng phó với những tình huống rủi ro, có khả năng chống đỡ trước những cú sốc lớn về khủng hoảng tài chính, tiền tệ hoặc cán cân thanh toán. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để tỷ giá tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm trước áp lực nguy cơ Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất và đồng NDT liên tục mất giá.

Dự trữ ngoại hối là yếu tố để xem xét đến sức khỏe của nền tài chính quốc gia góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, thể hiện hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trái ngược với tình hình khả quan về dự trữ ngoại hối, tình trạng ngân sách lại đang gây lo lắng. Tính đến hết 30-9, Chính phủ đã huy động được khoảng 250.320 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD) trái phiếu, tương đương gần 89% kế hoạch đề ra cho cả năm 2016. Theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, tổng thu NSNN 9 tháng là 718.300 tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm. Trong khi đó, các khoản chi đã lên tới 870.500 tỷ đồng. Theo đó bội chi ngân sách 9 tháng ước khoảng 152.200 tỷ đồng, bằng gần 60% dự toán năm. Tỷ lệ nợ công so với GDP vẫn đang tiếp tục tăng cao và nghĩa vụ trả nợ cũng ngày càng lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định một trong những rủi ro lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là thâm hụt ngân sách. Thống kê cho thấy tỷ lệ thu ngân sách so với GDP của Việt Nam khoảng 26-28%, trong khi đó hầu hết quốc gia trong khu vực chỉ từ 18-22%. Điều này cho thấy gánh nặng thuế đối với nền kinh tế đang rất lớn. Đặc biệt, dù thu ngân sách lớn nhưng tỷ lệ chi cũng quá cao làm thâm hụt ngân sách thường xuyên lên trên 5% GDP. Điều lo ngại là phần lớn ngân sách lại chi tiêu thường xuyên (chi bộ máy nhà nước), còn tỷ lệ đầu tư rất thấp. Phải nói thêm, chi thường xuyên lớn bởi NSNN đang bao cấp cho một bộ máy nhà nước quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Hàng năm ngân sách mất hàng chục ngàn tỷ đồng để nuôi bộ máy “hội, đoàn”, trong khi lẽ ra kinh phí dùng cho hoạt động này phải từ xã hội và các thành viên.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, đã chỉ ra bộ máy nhà nước quá cồng kềnh hiện nay không chỉ gây kém hiệu quả, mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Bên cạnh đó sự thua lỗ của nhiều tập đoàn nhà nước cũng đè nặng lên ngân sách. Không chỉ có vậy, hàng năm ngân sách cũng mất một khoản lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng hiệu quả thấp. Ở góc độ nguồn thu cũng báo hiệu dấu hiệu lo ngại vì thiếu bền vững, như thu từ đầu thô và từ xuất nhập khẩu đang ngày càng giảm. Do vậy, việc tăng thu ngân sách sẽ không dễ dàng.

Các tin khác