Nghịch lý thị trường trái phiếu

Ở các nước có nền kinh tế phát triển, hầu hết doanh nghiệp khi có tiền nhàn rỗi đều bung ra mua trái phiếu (trong đó có cả trái phiếu doanh nghiệp). Với các tổ chức định chế tài chính như NH, các khoản tiền dự phòng hay tiền huy động cho vay không hết cũng tham gia mua trái phiếu với lãi suất gần như cho vay.

Bởi nếu để lại khoản tiền này sẽ phải trả lãi suất huy động, chi phí hay nếu cho vay lãi suất qua đêm cũng rất thấp. Và nếu cần giải ngân có thể bán số trái phiếu này. Tuy nhiên, nếu vậy phải tạo cho thị trường trái phiếu vận hành với thanh khoản cực tốt, mua hôm nay có thể ngày mai bán được.

Do vậy, các nước này quy định đồng bộ các tổ chức định chế tài chính phải tham gia thị trường trái phiếu, các NH có tiền nhàn rỗi không được đem gửi NH khác. Ngay như các doanh nghiệp cũng không được quyền lấy tiền của cổ đông để đầu tư cổ phiếu hay gửi NH, mà phải tham gia mua trái phiếu.

Ở Việt Nam, theo nguyên tắc quản trị tài chính, các doanh nghiệp được quyền mua trái phiếu. Thế nhưng, cho đến nay hầu như trong các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đều ghi “tiền và các khoản tương đương tiền” (trong đó có khoản tiền gửi NH ngắn hạn); đầu tư tài chính (trong đó gửi NH dài hạn và đầu tư cổ phiếu).

Cũng dễ hiểu, vì các khoản tiền gửi NH hay mua bán cổ phiếu đều dễ dàng “bùa phép” cho vào túi riêng được. Chẳng hạn lãi suất tiền gửi từ dài hạn có thể biến thành không thời hạn, hay mua bán cổ phiếu biến lãi thành lỗ.

Tuy nhiên, vấn nạn này không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp, bởi thị trường trái phiếu nước ta quá èo uộc, thanh khoản kém, mua vào mà không bán xem như vốn chết. Do vậy vấn đề đặt ra là chính các cơ quan quản lý cần phải có những giải pháp đồng bộ  mới vận hành được thị trường trái phiếu.

Các tin khác