Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông tin liên quan đến các quy hoạch các nhà ga tại tỉnh Bình Dương và đầu tư tuyến đường sắt Bình Dương kết nối với Tây Ninh.
Hiện, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản lấy ý kiến Sở Giao thông Vận tải Bình Dương, tuy nhiên đến nay sở chưa có văn bản tham gia ý kiến về hồ sơ quy hoạch.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải có văn bản tham gia ý kiến hồ sơ quy hoạch nêu trên; phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn trong quá trình thỏa thuận kết nối hạ tầng và các nội dung có liên quan tại khu vực quy hoạch 2 ga nêu trên để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nghiên cứu bổ sung quy hoạch kết nối tuyến Đường sắt Tốc độ cao về Ga An Bình, phía Bộ Giao thông Vận tải thông tin, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam đoạn Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh được xác định kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, sau đó hướng tuyến đi dọc theo hành lang của đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và kết thúc tại Ga Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Tiếp thu một số ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Đường sắt Tốc độ cao đang nghiên cứu tuyến nhánh kết nối Đường sắt Tốc độ cao với Ga Trảng Bom để kết nối với các tuyến đường sắt khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có kết nối với tuyến Trảng Bom-Bình Triệu/Hòa Hưng (Ga An Bình nằm trên tuyến đường sắt này),” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Đối với việc bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng-Mộc Bài, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng mạng lưới đường sắt Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất liên vùng hoặc kết nối liên vận quốc tế.
Dẫn giải Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cơ quan chủ trì tổ chức lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh căn cứ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt để quy hoạch các tuyến đường sắt kết nối các đầu mối vận tải (cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu kinh tế, khu du lịch...) với đường sắt Quốc gia đáp ứng nhu cầu vận tải và khả năng huy động nguồn lực đầu tư của các địa phương, do vậy, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng-Mộc Bài vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt nêu trên.