Tờ Nikkei Asia dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi ngày 23-10 kêu gọi Mỹ ủng hộ sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong đoạn băng ghi hình bài phát biểu được phát hôm 23-10 tại Đối thoại núi Phú Sĩ – sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật và Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật tổ chức, ông Motegi nói: "Điều quan trọng là Mỹ phải tham gia vào việc tạo ra trật tự kinh tế khu vực, gồm cả việc quay trở lại [bàn đàm phán] TPP".
Ngoại trưởng Nhật kêu gọi Mỹ tham gia CPTPP vì sự ổn định của AĐD-TBD. Ảnh: NIKKEI ASIA
Theo Nikkei Asia, phát ngôn của ông Motegi lặp lại thông điệp của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cùng ngày nói rằng liên minh Nhật – Mỹ là "nền tảng" của hòa bình và thịnh vượng quốc tế.
Ông Motegi cũng nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo của Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ thể hiện cam kết với hiệp ước quốc phòng "Bộ tứ (QUAD)", đồng thời Tokyo sẽ "thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cụ thể với các nước khác bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Âu trong tương lai".
Về lập trường đối với Trung Quốc, ông Motegi cho biết Nhật "sẽ không từ bỏ các giá trị và nguyên tắc cơ bản như dân chủ, pháp quyền và thương mại tự do" khi làm việc với Bắc Kinh "trong các lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác".
“Điều quan trọng là phải kêu gọi Trung Quốc hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một cường quốc lớn” – ông Motegi nói thêm.
Vị ngoại trưởng Nhật cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi liệu các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có được "thực hiện đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế về chi phí vòng đời và yếu tố nợ bền vững hay không".
Tuy nhiên, ông Motegi hôm 23-10 đã chỉ trích Trung Quốc hưởng lợi từ vị thế quốc gia đang phát triển trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, tại Tổ chức Thương mại Thế giới, cũng như trong tài chính phát triển.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hôm 16-9 đã gửi đơn gia nhập CPTPP đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor và cả hai đã điện đàm thảo luận về các bước tiếp theo sau đó.
CPTPP được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, chiếm khoảng 13% thương mại toàn cầu.
CPTPP là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được xem là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
TPP từng được xem là trọng tâm của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama xoay trục chiến lược sang châu Á. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, ông Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi hiệp định này vào năm 2017.
Nhật hiện nắm quyền chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP trong khi New Zealand phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập hiệp định.