Nỗi khổ đi cầu tạm, vượt nút cổ chai
Anh Nguyễn Văn Hải, bán hàng trên đường Lã Xuân Oai (gần chân cầu Tăng Long) cho biết, nhà anh ở phường Trường Thạnh, ngày 2 lượt đi về qua cầu sắt dựng tạm để bán hàng rất khốn khổ. Cầu nhỏ hẹp, tấm sắt lót thường bị bung, nên mỗi khi xe chạy qua tạo thành tiếng ầm ầm, rợn cả người.
“Đã 2 năm nay, từ ngày cầu được khởi công, mọi người vất vả đi bằng cầu sắt ghép tạm, chưa biết khi nào có cầu mới để đi”, anh Hải than thở. Nhiều người bán hàng khác trên đường Lã Xuân Oai cũng bức xúc vì cầu Tăng Long khởi công xây dựng đã lâu, dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành nhưng đến giờ vẫn dở dang, dầm cầu mới vươn lên bờ rồi nằm im đó, chông chênh giữa trời.
Cầu Ông Nhiêu (cũ) nằm trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh nhiều năm nay phải gồng gánh xe container, xe chở đất cát tải trọng lớn. Con đường nối từ xa lộ Hà Nội (chân cầu Đồng Nai đến vòng xoay Phú Hữu) để vào đường Võ Chí Công và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thường xuyên có xe tải trọng lớn lưu thông khiến cầu Ông Nhiêu càng xuống cấp nghiêm trọng. Tuổi thọ hàng chục năm, lại xuống cấp, quá hẹp, cầu Ông Nhiêu được thành phố khởi công đầu tư xây mới từ 3 năm trước nhưng đơn vị thi công cắm vài cọc sắt xuống sông, rồi lặng lẽ… rút lui đến nay.
Chế tài chưa nghiêm
Theo UBND quận 9, các cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu… là những công trình trọng điểm, cấp bách, có kinh phí đầu tư lớn nhưng hầu hết đều chậm tiến độ. Cầu Tăng Long có tổng kinh phí đầu tư 450 tỷ đồng, khởi công tháng 12-2017 và đã chậm 1 năm so với kế hoạch. Cầu Nam Lý có kinh phí đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công tháng 10-2016, so với kế hoạch hoàn thành đã chậm 2 năm. Cầu Ông Nhiêu có kinh phí đầu tư 425 tỷ đồng, khởi công tháng 12-2017 nhưng đến nay đơn vị thi công đã rút khỏi công trường. Qua ghi nhận, hiện trên công trường xây dựng các cầu này vẫn còn ngổn ngang bê tông, trụ sắt… “Với tiến độ như hiện nay chưa biết khi nào các công trình mới hoàn thành để đưa vào sử dụng”, một lãnh đạo UBND quận 9 băn khoăn.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình cầu ở quận 9 chậm tiến độ, dừng thi công là do không có mặt bằng. Chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương đã làm ngược quy trình: khởi công xây dựng công trình trước, giải tỏa mặt bằng sau. Vì vậy, khi chưa giải quyết xong mặt bằng thì công trình… giậm chân tại chỗ!
Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc xây dựng công trình dù lớn hay nhỏ đều theo quy trình, quy định pháp luật. Đối với các công trình có giá trị đầu tư lớn, tác động nhiều đến xã hội thì đòi hỏi chấp hành càng nghiêm. Điều 107, Luật Xây dựng 2014, quy định điều kiện khởi công xây dựng công trình “phải bảo đảm các điều kiện có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng”. Đây là điều kiện tiên quyết, đã được luật định nhằm tránh tình trạng phê duyệt, khởi công theo cảm tính, lấy thành tích khi chưa có mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TPHCM (Hội Luật gia Việt Nam), nhìn nhận, không riêng các công trình cầu tại quận 9 mà nhiều công trình cầu đường, trường lớp, công sở… có kinh phí xây dựng từ ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ do chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng. “Chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị có trách nhiệm giải phóng mặt bằng đã không chấp hành đúng quy định Luật Xây dựng. Tình trạng thi công ngược quy trình tồn tại nhiều năm nay, hệ lụy để lại cho xã hội rất lớn nhưng không được ngăn chặn do biện pháp chế tài, xử lý với các đơn vị vi phạm chưa nghiêm”, ông Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
Một loạt công trình cầu thi công ngược quy trình, chậm tiến độ, đội vốn và gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân, cản trở phát triển kinh tế xã hội là vấn đề cần được UBND TPHCM sớm chỉ đạo tháo gỡ. Đồng thời, cần có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm chủ đầu tư, đơn vị thi công, các đơn vị liên quan cố tình làm trái quy định.