Người bán vé số muốn nhận thêm vé để tăng thu nhập

(ĐTTCO) - Tỷ lệ tiêu thụ vé số truyền thống hiện đang tăng kỷ lục (đạt gần 100%), tuy nhiên do cung không đủ cầu, khiến người bán vé số dạo rơi vào cảnh “lệ thuộc” từ khâu phân phối của các đại lý.

Người bán vé số dạo tại đường Quang Trung (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Người bán vé số dạo tại đường Quang Trung (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Theo báo cáo, tính đến hết quý III-2023, tỷ lệ tiêu thụ trung bình của các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) của toàn khu vực miền Nam (21 tỉnh thành) đạt 98,18%, trong đó có đến 6 công ty đạt tỷ lệ 100%, 12 công ty đạt trên 99%. Tình hình tiêu thụ trên được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí tăng trong thời gian tới.

Anh Phạm Văn Tư (57 tuổi, ngụ xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Vợ chồng tôi sống nhờ vào nguồn thu nhập duy nhất từ bán vé số, mỗi ngày 2 vợ chồng lấy 540 vé để bán. Hiện đại lý giao vé cho người bán dạo rất sát sườn, quy định khắc khe. Tức là khả năng bán bao nhiêu vé/ngày thì đại lý chỉ giao bấy nhiêu, còn lại họ giao cho người khác bán. Việc này là do vé số hiện đang rất hút, tiêu thụ mạnh, tôi muốn lấy thêm vé bán để tăng thu nhập cũng không có. Do đó, nếu các công ty XSKT tăng lượng vé phát hành sẽ giảm bớt áp lực rất nhiều cho người bán vé số dạo như tôi”.

Thực tế cho thấy, do tỷ lệ tiêu thụ vé số gần như “kịch trần”, khiến mối quan hệ giữa đại lý và người bán vé số dạo đã có sự đảo ngược so với trước đây. Nếu như thời điểm tỷ lệ tiêu thụ bình quân trong khu vực miền Nam đạt khoảng 70% thì các đại lý khá “chiều chuộng” người bán dạo. Cụ thể, người bán có thể trả lại vé số không bán hết nhưng vẫn không bị “cắt số" cho lần nhận vé sau hoặc nhận vé trước trả tiền sau… Tuy nhiên, hiện nay do tỷ lệ tiêu thụ gần 100%, dẫn đến các đại lý ở thế “kèo trên” trong khâu phân phối vé cho người bán dạo.

Chủ một đại lý vé số tại Cần Thơ cho biết: “Việc phân phối vé cho người bán dạo hiện đang được chúng tôi rất cân nhắc, với mục tiêu đạt hiệu quả tiêu thụ tốt nhất. Theo đó, nguyên tắc phân phối là dựa vào khả năng bán bao nhiêu sẽ được giao bấy nhiêu. Tức là anh A. bán 200 vé/ngày sẽ được giao 200 vé, trường hợp anh A. bán không hết (còn 20 vé), chúng tôi sẽ nhận lại vé trả theo đúng quy định của công ty. Tuy nhiên, lần giao vé sau chúng tôi chỉ đưa cho anh A. 180 vé để bán, 20 vé còn lại sẽ được phân phối cho người khác bán hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Thành Sang (42 tuổi), người bán vé số dạo trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho biết người bán vé số hiện nay phải tranh thủ lắm mới có vé để bán, có khi phải “chia lại” vé số từ người bán dạo khác. Đại lý không cấm trả lại vé số ế, nhưng sẽ bị cắt giảm tương ứng số vé đã trả. Dù rất vất vả, áp lực khi bán, nhưng người bán vé số dạo cũng không thể làm gì được, vì đại lý làm đúng quy định của công ty.

anh-xskt-1-3229.jpg
Anh Phạm Văn Tư người bán vé số dạo tại Vĩnh Long đề xuất các công ty XSKT tăng số lượng vé phát hành

“Tôi cho rằng, nguyên nhân là do lượng vé số phát hành hiện không đủ bán, nếu các công ty XSKT tăng số lượng phát hành lên thì các đại lý cũng sẽ không khắt khe khi giao số, thậm chí có thêm chính sách để hút người bán dạo cho mình”, ông Sang chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế trên, 21/21 công ty XSKT khu vực miền Nam đã thống nhất phương án đề xuất Bộ Tài chính tăng hạn mức doanh số phát hành lên 10 tỷ đồng/kỳ cho tất cả các công ty. Tương đương với việc tăng từ 12 tờ/kỳ (120 tỷ đồng/kỳ) hiện nay lên 13 tờ/kỳ (130 tỷ đồng/kỳ).

Lý do được đưa ra là đa số các công ty đã đạt tỷ lệ tiêu thụ vé “kịch trần” và nhu cầu của thị trường tăng. Bên cạnh đó, năm 2024, Bộ Tài chính giao số nộp ngân sách cho các công ty tăng cao so với năm 2023, nhưng với tỷ lệ tiêu thụ năm 2023 đã kịch trần sẽ gây khó khăn cho các công ty XSKT trong giao nộp ngân sách.

Các tin khác