Sách là văn bia để đời nên phải chuẩn xác, chặt chẽ
*Chị đã được tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư, đó là điều đặc biệt hiếm người có được, nhưng hẳn đó cũng là áp lực?
* Chị Phạm Thị Thinh: Tôi may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, khi còn là một biên tập viên trẻ, còn Tổng Bí thư khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng và đều để lại nhiều kỷ niệm khó phai.
Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc và sửa bản thảo sách. Ảnh chụp năm 2023
Biên tập sách của Tổng Bí thư với tôi không phải là áp lực, mà là vinh dự và trách nhiệm, do đó luôn cố gắng đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách. Tổng Bí thư luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời, do vậy mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…
Vì thế, sau mỗi cuốn sách, tôi thường học được rất nhiều điều như: học được nhiều kiến thức từ sách; học được tư duy làm sách của Tổng Bí thư, đó là cách thức sửa bài, đặt tiêu đề; học được sự chỉn chu trong công việc, về nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và biết báo. Tôi còn học được từ Tổng Bí thư về tư cách đạo đức, cách đối nhân xử thế, quan tâm đến mọi người, thương yêu cán bộ cấp dưới, lối sống giản dị, chuẩn mực, suy nghĩ sâu sắc, cặn kẽ; về sự tự học của Tổng Bí thư khi đã giữ những cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư còn căn dặn chúng tôi rất nhiều trong quá trình biên tập, xuất bản sách. Mỗi lời căn dặn của ông, với tôi thật thấm thía để làm tốt hơn công việc của mình.
Ân cần chia sẻ như người thân
*Là người trực tiếp tham gia làm nhiều bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, chị có thể chia sẻ những cảm nhận, kỷ niệm, những câu chuyện ấn tượng, sâu sắc nhất về Tổng Bí thư trong hành trình dài ấy?
* Trong quá trình làm sách, tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần và rất nhiều lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Qua những lần căn dặn đều là hành trang để mỗi ngày thêm cố gắng và trưởng thành trong công việc. Có những lần Tổng Bí thư rút kinh nghiệm tôi về việc truyền thông sách đã khiến cho tôi phải thật cẩn trọng trong từng việc làm, phải có tư duy sâu rộng, suy nghĩ thấu đáo, trước sau và mỗi cuốn sách ra mắt bạn đọc là có thêm kinh nghiệm. Mỗi lần được gặp Tổng Bí thư là mỗi lần tôi được học hỏi rất nhiều điều.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh
Tôi còn nhớ, sau khoảng 5 năm tôi không tham gia biên tập bản thảo sách của bác, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bác đến thăm và chúc tết Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, khi bác đi xuống phía dưới hội trường để bắt tay từng người lao động, bác vẫn nhận ra tôi và ân cần hỏi thăm... Tôi cảm động trước những lời thăm hỏi ân cần từ một vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Tháng 4-2023, khi đang thực hiện bản thảo sách Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, tôi được gặp Tổng Bí thư để báo cáo về các công việc chuẩn bị cho bản thảo. Trước khi báo cáo bác về công việc, bác hỏi thăm tôi về gia đình, con cái và chia buồn với gia đình tôi (vì khi đó mẹ chồng tôi mới mất). Vẫn là những lời hỏi thăm ân cần như bao lần khác, thật gần gũi, thân thương mà tôi cảm nhận bác - như một người cha căn dặn con gái.
Thương dân, gần dân, hiểu dân, học dân
*Những câu chuyện, lời nói, hình ảnh nào khiến chị cảm nhận được cốt cách con người của Tổng Bí thư?
* Khi khảo sát tư liệu để thực hiện cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhận thấy, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo. Ví dụ như những bức ảnh đêm Giao thừa năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm hỏi, mừng tuổi công nhân vệ sinh môi trường ứng trực trên đường Thanh niên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hoặc là lời dặn dò của Tổng Bí thư đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc là: “Cán bộ mặt trận là những người tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, cho nên phải “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin””; “Mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận của nhân dân”; “Cán bộ mặt trận phải luôn luôn ghi nhớ rằng, nhân dân chỉ nghe theo, tin theo mình khi nhân dân thật sự tin tưởng mình, khi cán bộ mặt trận thật sự là những tấm gương thuyết phục nhất.
Do đó, mỗi cán bộ mặt trận phải thường xuyên rèn luyện mình, tu dưỡng đạo đức, phải trở thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và dân được nhờ”. Những lời dặn dò đó chỉ có thể xuất phát từ sự thương dân, gần dân, hiểu dân, học dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách xuất bản gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt vào ngày 21-6 vừa qua. Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý. Sách còn có hai bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất là Tổng Bí thư...
Điều đó nói lên rằng, bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa.