Nhiều bác sĩ đặt vấn đề: tại sao không ưu tiên cho những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, trong khi đây là đối tượng nguy cơ cao nếu không may mắc Covid-19?
Nhiều trường hợp trì hoãn
Mới đây Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19, trong đó nêu rõ những đối tượng cần cẩn trọng và những đối tượng phải hoãn, chống chỉ định tiêm chủng. Mục đích là phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo đó, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ, và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu gồm: người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác, người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định, người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người trên 65 tuổi, người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu, người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Bên cạnh đó, một số đối tượng bắt buộc phải trì hoãn tiêm chủng là những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan… Ngoài ra, những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không được tiêm.
Trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất đang diễn ra tại TPHCM những ngày qua, tại các điểm tiêm trong cộng đồng, Sở Y tế TPHCM đã đề nghị các đơn vị trì hoãn tiêm chủng cho các đối tượng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tạm thời chưa lập danh sách tiêm chủng cho những người thuộc nhóm ưu tiên nhưng trên 65 tuổi.
Ghi nhận tại điểm tiêm chủng tổ chức ở Trường THCS Linh Đông, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, nhiều người trên 65 tuổi đến tiêm phải quay về vì thuộc đối tượng hoãn tiêm. Ông Chu Văn Tiến (70 tuổi, ngụ phường Linh Đông) cho biết ông nhận được thông báo từ khu phố về lịch tiêm vaccine Covid-19, nhưng khi đến điểm tiêm thì được thông báo hoãn tiêm. Tương tự, ông Trần Quang Thảo (60 tuổi, nhân viên bảo vệ của Công ty Buil-up Việt Nam, Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức) cũng bắt buộc phải hoãn tiêm chủng do đang uống thuốc điều trị cao huyết áp.
Phải được ưu tiên
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nên có chiến lược tiêm vaccine Covid-19 ngay cho những người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là ở những vùng có ca mắc trong cộng đồng, lây lan cao như TPHCM hiện nay. Thực tế ở nhiều nước có nền y học tiên tiến trên thế giới, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, đang cho con bú là những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
“Thận trọng trong tiêm chủng là cần thiết, tuy nhiên thực tế việc khám sàng lọc áp dụng quá máy móc các quy định của Bộ Y tế khiến cho tỷ lệ hoãn tiêm cao. Đơn cử, tại 1 điểm tiêm chủng cộng đồng do các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách, có 701 người đến tiêm thì đã hoãn tiêm đến 237 người”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.
Chia sẻ thêm về những trường hợp mắc bệnh lý nền có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, cho rằng, bệnh nhân ung thư cần được tiêm vaccine Covid-19 ngay, không nên chần chừ, e ngại bởi thực tế nhiều nơi đang quá lo sợ, từ chối chích ngừa cho bệnh nhân ung thư dù nhiều bệnh nhân đã hoàn tất điều trị và khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân ung thư vẫn an toàn với vaccine, không gặp tác dụng phụ nhiều hơn so với người bình thường; bên cạnh đó, đây là nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất khi bị Covid-19 tấn công. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cho dù đang điều trị vẫn có đáp ứng miễn dịch với vaccine, mặc dù chậm và ít hơn so với người bình thường, nhưng vẫn có và giúp bảo vệ người bệnh.
“Trước kia nhiều người lo ngại bệnh nhân đang điều trị sẽ có đáp ứng miễn dịch kém và không nên chích ngừa. Tuy nhiên miễn dịch vẫn có, và bệnh nhân ung thư có thể cần thêm mũi ngừa thứ 3 thay vì 2 mũi chích như người bình thường. Do đó, người bệnh ung thư đang điều trị vẫn chích ngừa được và nên chích khi có cơ hội”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ nêu quan điểm.
Còn với những đối tượng có bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, sa sút trí tuệ..., các chuyên gia cũng cho rằng không có chuyện người đang bị bệnh nền thì khi tiêm vacine sẽ ảnh hưởng bệnh nền. Người bệnh nền càng nên chích ngừa vì người bệnh nền mắc Covid-19 rất dễ biến chứng nặng, nhất là những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt stent, viêm gan B, C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình… Càng không có chuyện người lớn tuổi tiêm vaccine Covid-19 bị hành nhiều, ảnh hưởng sức khỏe. Rất hiếm các loại thuốc đang sử dụng hiện nay ảnh hưởng đến tiêm vaccine, và tiêm xong vẫn uống thuốc hàng ngày bình thường.
Lưu ý khi tiêm vaccine Theo các chuyên gia khuyến cáo, chỉ những người dị ứng phản ứng mức độ 2 (phù mặt, nôn ói đau bụng dữ dội, phải tiêm adrenalin) với tất cả các thứ (thức ăn, thuốc…); người đang bị ung thư giai đoạn cuối; người đang xơ gan giai đoạn cuối... mới không nên tiêm vaccine Covid-19. Người dân cần hợp tác khai báo y tế, giữ khoảng cách, bình tĩnh, không uống cà phê nhiều, thư giãn trước khi khám sàng lọc. Trong khoảng thời gian chờ đợi 30 phút sau tiêm cần giữ khoảng cách an toàn, tâm lý thoải mái, không nên quá lo lắng và báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều... Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi diễn biến sức khỏe của mình và báo cho cơ quan y tế gần nhất khi có những biểu hiện bất thường. |