Người dân chật vật trong cơn “bão giá”

(ĐTTCO)-9 lần xăng tăng giá đã kéo theo hàng loạt các mặt hàng tăng giá, điều này đã làm đảo lộn sinh hoạt hàng ngày và tác động không nhỏ đến chất lượng bữa ăn của mọi gia đình… Nhiều bà nội trợ phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Người dân chật vật trong cơn “bão giá”

Giữa cái nắng oi bức 35 - 36 độ của mùa hè, đã gần 12 giờ trưa nhưng chị Đào Thu Hằng (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn kiên trì ngồi ở vỉa hè của chợ tạm trên phố Tôn Thất Tùng để mong bán được nốt phần giò, chả, thức ăn nhanh còn lại rồi mới trở về nhà. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi trên khuôn mặt mệt mỏi, khắc khổ, chị tâm sự, kể từ khi hàng hóa, thực phẩm tăng giá, trong mỗi buổi đi chợ, chị phải cố gắng hơn rất nhiều để mong có thêm thu nhập lo cho con cái, gia đình.

Hàng ngày thức dậy từ 4h, chị Hằng phải đi xe máy hơn 20km đến chợ để bán hàng, hơn 5h chị đã có mặt ở chợ. Thời gian gần đây, do mọi thứ đắt đỏ, người dân thắt chặt chi tiêu nên người bán nhiều hơn người mua, quầy hàng giò, chả của chị ế ẩm lắm, lượng hàng bán được giảm tới một nửa so với trước khi hàng hóa chưa tăng giá.

Hàng bán được ít cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình chị bị giảm xuống. Thu nhập giảm nhưng chi phí sinh hoạt hàng ngày lại tăng đột biến do giá cả leo thang khiến gia đình anh chị thêm chật vật. Là người chăm lo bữa ăn cho cả gia đình hàng ngày, chị Hằng phải tính toán, chi tiêu tằn tiện hơn trước rất nhiều.

“Giá xăng tăng, con cá, mớ rau tăng, giá gas tăng, tiền sách giáo khoa của con cũng tăng trong khi thu nhập thì eo hẹp nên cuộc sống vất vả lắm. Tôi phải cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết để mong có đủ tiền chi tiêu trong 1 tháng. Nếu như trước đây 1 bữa ăn của cả gia đình (4 người) chi tiêu hết khoảng 80.000 đồng thì bây giờ tôi phải căn ke hơn, cố gắng gói gọn chi tiêu trong số tiền 50.000 đồng. Trong sinh hoạt hàng ngày, cái gì cần thiết lắm mới tiêu, phải đong đếm từng đồng, nếu không lúc thiếu biết vay mượn ai”, chị Hằng chia sẻ.

“Bão giá” không chỉ ảnh hưởng đến người lao động tự do mà nó còn “len lỏi” vào các gia đình công chức.

Có chồng đã nghỉ hưu, bản thân là một giáo viên mầm non vẫn đang công tác, như bao bà nội trợ khác, vài tháng trở lại đây, chị Nguyễn Thúy An (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng luôn canh cánh gánh nặng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Trong thời “bão giá” hậu đại dịch, chị An phải “thắt lưng buộc bụng” để chu toàn miếng ăn, cái mặc cho 4 thành viên trong gia đình.

Mỗi buổi sáng khi đi chợ, chị An lại “giật mình” vì giá cả của mặt hàng nào cũng tăng lên, cụ thể, 1 mớ rau muống tăng lên 2.000 – 3.000 đồng, 10 quả trứng tăng lên 3.000 đồng, thịt lợn cũng tăng tới 10.000 đồng/kg… Ngoài ra, nhiều thứ khác như dầu ăn, nước mắm, các loại gia vị cũng nhúc nhích tăng lên…

Vừa sắp xếp lại mâm cơm đạm bạc chỉ có món lạc rang, đậu rán, rau, dưa, chị An vừa chia sẻ, thời gian gần đây, giá cả nhiều thứ tăng cao nên cuộc sống gia đình bị đảo lộn khá nhiều. Các bữa ăn hàng ngày đạm bạc hơn, bữa nọ bù trừ cho bữa kia. Thu nhập không tăng mà giá cả các mặt hàng tăng lên chóng mặt thì chỉ có tiết kiệm là cách duy nhất để duy trì cuộc sống hàng ngày.

nguoi dan chat vat trong con bao gia hinh anh 2
Giữa cơn "bão giá", chị An phải "thắt lưng buộc bụng" để chu toàn miếng ăn, cái mặc cho 4 thành viên trong gia đình.

Thực tế, trong cơn “bão giá” như hiện nay, các món ăn như rau, đậu, lạc, trứng, cá khô là món ăn quen thuộc và phổ biến của nhiều gia đình. Chỉ có vào ngày cuối tuần thì mới có thêm “đặc sản” thịt, cá... Qua những bữa cơm gia đình mới thấy, cuộc sống người dân còn nhiều lắm những nỗi lo, những nhọc nhằn, sự vất vả và chật vật, khốn khó…

“Thu nhập hàng tháng của tôi khoảng 7 triệu đồng. Thời kỳ nghỉ dịch mức lương giảm gần 1/3. Khi dịch dã đã ổn định thì giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo, với mức thu nhập eo hẹp như vậy và cũng không có tích lũy, tôi phải cắt giảm chi phí nhiều thứ. Nếu không “thắt lưng buộc bụng” thì tháng nào âm tháng đó, đến lúc ốm đau, ma chay, hiếu hỉ thì không biết xoay sở thế nào”, chị An chia sẻ.

Được biết, từ khi giá xăng tăng cao, để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng chị đã lựa chọn đi làm bằng xe đạp hoặc xe bus. Chỉ trong dịp cuối tuần đưa các con đi chơi, hai vợ chồng mới đi xe máy để tiện di chuyển.

Để “đối phó” với giá cả tăng cao, ngoài việc tiết kiệm tối đa chi tiêu hàng ngày và cắt giảm những mặt hàng không thiết yếu, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hương ở Ngọc Hà, Ba Đình lại bàn nhau chạy thêm xe ôm để tăng thu nhập vào ngày nghỉ cuối tuần.

“Trong thời buổi cái gì cũng tăng giá, để có thêm thu nhập lo cho gia đình, con cái, cực chẳng đã, vợ chồng tôi phải tìm cách làm thêm mọi việc. Chồng tôi sẽ chạy xe ôm vào cuối tuần, còn tôi tới đây sẽ bán thực phẩm online. Biết là sẽ vất vả hơn rất nhiều nhưng không còn cách nào khác, tất cả phải cùng cố gắng. Bởi với thu nhập lao động tự do của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng/tháng, số tiền đó sẽ không đủ để thuê nhà và lo cho 4 con người, trang trải cuộc sống 1 tháng còn rất khó khăn, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy”, chị Hương cho hay.

Nhìn 2 đứa con nhỏ nghịch, chơi trong căn phòng thuê nhỏ xíu, mướt mát mồ hôi, chị Hương xót xa lắm. Chị chỉ ước có một món tiền nhỏ dư dả để thuê 1 căn phòng khác rộng rãi, thoáng mát hơn cho các con mình.

Giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng đã tác động trực tiếp tới cuộc sống của tất cả các gia đình, từ người lao động tự do đến các công chức nhà nước hay công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, nỗi lo bữa cơm làm sao cho đủ chất cho thấy, đời sống của họ còn quá nhiều những khó khăn, chật vật, vất vả. Cơn “bão giá” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi đồng lương cơ bản suốt 2 năm ròng rã vẫn chưa có dấu hiệu nhúc nhích khiến nỗi lo thường nhật của họ lại thêm trĩu nặng...

Các tin khác