Người dân ĐBSCL 'sống chung với sạt lở'

(ĐTTCO) - Cuối tháng 5, ĐBSCL bước vào mùa nước kiệt nhất trong năm, cũng là lúc hàng loạt vụ sạt lở xảy ra ven sông Tiền, sông Hậu và bán đảo Cà Mau. 
Hiện trường sạt lở tại kênh Cần Lố (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: TÍN HUY

Hiện trường sạt lở tại kênh Cần Lố (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: TÍN HUY

Nơm nớp lo

Liên tiếp 6 vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những ngày cuối tháng 5-2023, làm “đứt gãy” nhiều tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 27 vụ sạt lở với chiều dài gần 600m, làm mất 3.180m2 đất.

Cùng thời gian, tại xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm tê liệt đường giao thông nông thôn; 3 căn nhà bị đe dọa sụp xuống sông. Đây cũng là nơi từng xảy ra sạt lở. Thực tế, các điểm xảy ra sạt lở rất dễ tái sạt lở dù đã được làm kè, do bờ sông đã “đứt gãy”.

Trở lại khu vực xảy ra sạt lở đất thời gian gần đây bên bờ sông Tiền (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi thấy nguy cơ tái sạt lở vẫn hiện diện. Trước đó, vào ngày 23-5, dù đã được làm kè kiên cố, khu vực này vẫn xảy ra sạt lở dài hơn 30m, ăn sâu khoảng 20m, nhấn chìm một phần trang trại nuôi gà, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, cho biết, nguyên nhân dẫn đến sạt lở có một phần do tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền (đoạn gần khu vực này) thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, xã không đủ máy móc, phương tiện để xử lý tình trạng cát tặc hoành hành.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thông tin, tỉnh đã xây dựng hoàn thành hơn 56km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Những công trình được đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ. Dù vậy, Cà Mau vẫn còn khoảng 100km bờ biển, 265km bờ sông bị sạt lở.

Tại Cà Mau, huyện Đầm Dơi trở thành “điểm nóng” sạt lở của tỉnh. Trên địa bàn huyện đã có đến 39 vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hỏng hoàn toàn 76m kè bê tông, 10 nhà dân, hơn 860m lộ nông thôn… Tương tự, tại tỉnh An Giang gần đây xảy ra nhiều vụ sạt lở đất. Cụ thể, tại khu vực ấp An Thái (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới), trên tuyến bờ trái sông Hậu đã xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 70m, ăn vô đất liền 10m. Sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại rạch Ông Chưởng (xã Long Giang, huyện Chợ Mới), chính quyền buộc phải di tản người dân để đảm bảo an toàn.

Sớm có giải pháp giảm tải cho bờ sông

Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL, đó là do lòng sông thiếu phù sa và thiếu cát. Đây là hệ lụy từ tác động của các đập thủy điện và do ảnh hưởng từ tình trạng khai thác cát dọc sông Mê Công. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết: “Hiện nay, sạt lở dồn dập theo cuối mùa khô. Còn theo diễn tiến chung, miền Tây sẽ phải đối diện sạt lở thêm hàng chục năm nữa. Do các đập thủy điện trên dòng Mê Công hoạt động, tình trạng “đói” phù sa, “đói” cát tại miền Tây sẽ tiếp diễn, sạt lở sẽ kéo dài”.

“Điểm nóng” sạt lở khu vực chợ nhà lồng, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

“Điểm nóng” sạt lở khu vực chợ nhà lồng, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Chính phủ đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL làm kè, đê chắn sóng… nhằm khắc phục các điểm xảy ra sạt lở trong 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), thời gian qua huyện đẩy mạnh công tác vận động nhân dân trồng cây mắm, đước… ven sông, rạch để hạn chế sạt lở.

Còn theo UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2020-2021, tỉnh đã triển khai thi công kè giảm sóng, gây bồi chống xói lở đê biển Gò Công tại đoạn xã Tân Thành, có chiều dài hơn 3.230m. Qua sử dụng, hiện phía trong khu vực kè đã bồi lắng bùn cát khoảng 0,5-0,7m; đồng thời cây rừng bắt đầu tái sinh, hứa hẹn tạo ra đai rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, bảo vệ người dân vùng biển.

ĐBSCL không cách nào khác hơn là phải chấp nhận “sống chung với sạt lở”. Câu chuyện chống sạt lở phải có giải pháp dài hạn, linh động vận dụng các giải pháp công trình và phi công trình. Đồng thời, các địa phương phải có quy hoạch đồng bộ, theo hướng “giảm tải” và từng bước loại bỏ việc xây dựng nhà, đường giao thông nằm ven sông, ven các bờ biển để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sạt lở.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện ĐBSCL có trên 780 khu vực sạt lở với tổng chiều dài gần 1.000km. Thống kê sơ bộ tại 5 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau) cho thấy có trên 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Các tin khác