Người dân TPHCM nô nức đón tết

(ĐTTCO)-Từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 10-2 (Mùng 1 Tết), hàng loạt màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật tưng bừng tung bay nhiều khu vực tại TPHCM. Từ trung tâm thành phố về các quận, huyện ngoại thành, đâu đâu cũng vang tiếng pháo giao thừa, người người nhà nhà vui mừng đón Xuân…

Pháo hoa rực sáng tại khu vực trung tâm đón Tết Giáp Thìn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Pháo hoa rực sáng tại khu vực trung tâm đón Tết Giáp Thìn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024, TPHCM bắn pháo hoa tại 11 điểm để phục vụ người dân, du khách từ khắp nơi đến thành phố vui Xuân đón tết. Bao gồm 2 điểm tầm cao và 9 điểm tầm thấp ở khu vực nội thành và ngoại thành. 2 điểm tầm cao tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức), khu Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

9 điểm tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (huyện Bình Chánh); Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Đền Bến Nọc (TP Thủ Đức); Công viên văn hóa quận Gò Vấp; Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn); Quảng trường trung tâm hành chính quận 7; Khu dân cư Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân); Khu vực Nhà Văn hóa huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi). Pháo hoa tung bay đầy trời thành phố trong 15 phút cũng là lời chào rộn ràng nhất của TPHCM và người dân chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Những màn bắn pháo bông tuyệt đẹp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Người dân xôn xao xem bắn pháo bông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Clip pháo hoa rực sáng đêm giao thừa Tết Giáp Thìn tại trung tâm thành phố. Clip: DŨNG PHƯƠNG

Trong đêm Giao thừa, hàng chục ngàn người dân và du khách tấp nập đổ về khu vực trung tâm để vui chơi và xem pháo hoa. Khu vực Công viên bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng (quận 1) là nơi người dân tập trung đông đúc nhất vì đây là vị trí đẹp để xem bắn pháo hoa ở phía đầu hầm sông Sài Gòn.

Khu vực Đường hoa Tết Nguyễn Huệ cũng rộn ràng các hoạt động vui chơi đón xuân trước, trong và sau giao thừa. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã cùng nhau diện những bộ trang phục đẹp nhất để lưu lại những khoảnh khắc năm mới tại các khu vực khác như Nhà thờ Đức Bà, Đường sách TPHCM...

Từ rất sớm, anh Nguyễn Thanh Bình (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đi cùng vợ và 2 con gái ra khu vực trung tâm để cùng đón năm mới. Anh chia sẻ: “Buổi trưa gia đình tôi đã cúng kiếng sớm và khi xong bữa cơm tối 30 cũng là lúc cả nhà chở nhau đi ngắm phố phường, ra Đường hoa Nguyễn Huệ ngắm rồng, ngắm hoa và xem pháo hoa ở Công viên bến Bạch Đằng rồi mới về… Thói quen này gia đình tôi cố gắng duy trì hằng năm nên đám nhỏ nhà tôi vui lắm. Cả ngày 30 cứ rộn ràng lựa quần áo đẹp nhất để đi đón giao thừa”.

Trở về Việt Nam trước tết 10 ngày, chị Nguyễn Thị Minh Phụng (Việt kiều Canada) bày tỏ niềm thích thú khi được xem bắn pháo bông, đón giao thừa tại TPHCM cùng gia đình. Lần thứ hai đón tết quê nhà sau nhiều năm định cư nơi xứ người, chị Phụng nói tết này đối với chị thực sự rất vui.

“Ý nghĩa lắm, cả gia đình cùng đi dạo, đi đường sách, đường hoa, ngắm pháo bông đêm giao thừa cùng nhau. Dù mọi người tập trung rất đông đúc, di chuyển có đôi chút khó khăn nhưng niềm vui năm mới cùng người thân thì nhiều hơn. Mỗi lần về Việt Nam đúng những dịp vô cùng đặc biệt như Tết Nguyên đán mình luôn muốn cùng cha mẹ và các con, cháu đi cùng nhau như vậy. Mong thành phố mình năm mới ngày càng phát triển. Chúc cho mọi người năm con rồng sức khỏe như rồng, an khang và mọi điều như ý”, chị Nguyễn Thị Minh Phụng nói.

Đông đảo người dân và du khách đổ về Đường hoa Tết Nguyễn Huệ đón năm mới. Ảnh: TIỂU TÂN

Khu vực quảng trường đông nghịt người. Ảnh: TIỂU TÂN

Nghệ sĩ biểu diễn phục vụ người dân tối 30. Ảnh: TIỂU TÂN

Nhà thờ Đức Bà cũng là một địa điểm thu hút đông người dân trong thời khắc đặc biệt đón năm mới. Ảnh: TIỂU TÂN

Đêm 30 Tết, giao thông tại TPHCM không bị quá tải. Chỉ có khu vực trung tâm vào giờ cao điểm đón giao thừa, người dân đổ về quá đông nên một số tuyến đường xung quanh xảy ra ùn ứ cục bộ.

Tình trạng ùn ứ, di chuyển chậm chủ yếu xảy ra tại một số tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng... do các tuyến đường này dẫn đến các điểm có thể xem bắn pháo hoa.

Tình trạng ùn ứ xe, di chuyển chậm ở một số đoạn đường khu vực trung tâm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bên cạnh việc xem bắn pháo hoa, trong đêm Giao thừa, người dân tại khu vực trung tâm còn được thưởng thức nhiều màn múa lân, biểu diễn nghệ thuật ca hát múa... do Sở VH-TT TPHCM tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (song song với Đường hoa Nguyễn Huệ). Đặc biệt, người dân tại huyện Cần Giờ còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đón năm mới do các nghệ sĩ của thành phố về biểu diễn.

Các tin khác