Người dân vùng cao cũng 'dính bẫy' lừa đảo qua điện thoại

(ĐTTCO) - Hoạt động lừa đảo trên không gian mạng thời gian gần đây diễn ra ngày càng tinh vi, thậm chí đồng bào dân tộc ở vùng cao cũng trở thành "đích ngắm".
Người dân vùng cao cũng 'dính bẫy' lừa đảo qua điện thoại

Chiêu trò cũ… nạn nhân mới

Lợi dụng việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã sử dụng MXH như một công cụ để thực hiện hoạt động lừa đảo. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, mà đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Gần đây nhất - vào ngày 14/5 vừa qua, Công an huyện Phù Yên (Sơn La) đã ra Lệnh giữ người và Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Hà Đình Hào (SN 1998, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để điều tra làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, do biết người dân trên địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên (Sơn La) đang vào mùa thu hoạch củ gừng tươi và có rất nhiều gia đình, cũng như thương lái thu gom, nên Hào đã sử dụng thông tin và hình ảnh đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cá nhân để thu hút sự chú ý. Sau khi có người hỏi mua, Hào thỏa thuận giá và lừa đặt tiền cọc qua tài khoản ngân hàng. Như trường hợp anh L.T.H (SN 1983, trú tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã bị đối tượng Hào yêu cầu chuyển khoản đặt tiền cọc 35 triệu đồng và hẹn ngày, địa chỉ đến nhận hàng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, thì anh H. phát hiện mình bị lừa; đối tượng lúc này cũng đã chặn liên lạc. Vì vậy, anh đã trình báo cơ quan Công an.

Sau khi bị bắt, Hà Đình Hào đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời khai nhận: bản thân thường xuyên thay đổi số điện thoại liên lạc và các tài khoản mạng xã hội để chặn liên lạc với nạn nhân, lẩn trốn, di chuyển hoạt động của mình ở các tỉnh phía Bắc…

Cũng thủ đoạn tương tự như Hà Đình Hào, cuối năm 2022, đối tượng Nguyễn Thế Trung (SN 1983, trú tại tổ 54 phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hành nghề trung gian bán hàng nông sản là ngô hạt) nắm được thông tin ông Phí Văn Sáu, sống ở bản Co Sấy, tỉnh U Đôm Xay, nước CHDCND Lào có ngô hạt vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Trung đã gọi điện thoại cho ông Sáu, giới thiệu tên là Hùng, khi có ngô bán thì Trung thỏa thuận với ông Sáu mức giá bán 8.750đ/1kg. Qua liên lạc bằng điện thoại, Trung lại bán lại số ngô này cho cơ sở của chị Bùi Vân Anh, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu (Sơn La) với giá 8.150đ/1kg. Chị Vân sau đó đã chuyển số tiền cọc 300 triệu đồng thông qua ứng dụng Smartbanking đến số tài khoản mang tên Hoàng Thị Thu Giang theo yêu cầu của Trung. Số tiền này sau khi chị Giang nhận được, đối tượng Trung bảo chị trừ số tiền mình đang nợ chị này, số còn lại thì chuyển vào tài khoản của anh ta...

Sau này không liên lạc được với Trung; nhận thấy có dấu hiệu của việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị Bùi Vân Anh và ông Phí Văn Sáu đã viết đơn trình báo cơ quan Công an và sau một thời gian điều tra, xác minh, đối tượng Nguyễn Thế Trung đã bị công an Yên Châu (Sơn La) bắt giữ.

Tại cơ quan công an, đối tượng Trung thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và cho biết do lười lao động lại cần tiền tiêu sài, nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản từ việc liên hệ với người bán nông sản, môi giới đi bán với giá cao, sau đó liên hệ với các cơ sở thu mua nông sản dọc Quốc lộ 6 bán với mức giá thấp hơn thị trường để chiếm đoạt tiền từ các cơ sở mua nông sản.

Thêm trò lừa đảo “táng tận lương tâm”

Tại huyện biên giới Sốp Cộp (Sơn La), chị L.T.N là chủ nhà hàng ăn uống nhận được điện thoại lạ của một người đàn ông giới thiệu tên là Là Đức Khôi - là học viên thực tập tại Bệnh viện 108, hẹn đặt 150 xuất cơm cho đoàn công tác của Bệnh viện 108 từ Hà Nội đến huyện Sốp Cộp. Đối tượng chủ động kết bạn zalo với chị N. để trao đổi, thống nhất việc đặt cơm, sau đó chủ động chuyển khoản cho chị 1 triệu đồng đặt cọc. Tối cùng ngày, khi đã chuyển 1 triệu tiền cọc cho chị N, đối tượng nhắn tin cho chị nói đoàn đang đến Mộc Châu và nhờ chị mua giúp 1.500 hộp patê, kim chi. Hắn chủ động cho chị N. số điện thoại để chị liên hệ đặt mua giúp. Chị N. đã liên hệ theo số điện thoại mà người đàn ông tên Khôi cung cấp thì được một zalo tên “West food chuyên cung cấp hàng hóa nhập khẩu” chủ động kết bạn với chị; người này sau đó đã trao đổi việc mua pa tê, kim chi và yêu cầu chị đặt cọc tiền.

Khi chị N. nói lại với người đàn ông tên Khôi thì hắn bảo chị trả tiền patê, kim chi trước; khi nào đoàn đến nhà hàng chị ăn cơm thì sẽ cộng vào tiền cơm trả cho chị. Do tin tưởng nên chị N đã chuyển khoản cho người bán patê, kim chi số tiền 46,2 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền thì người đàn ông đặt cơm và zalo “West food chuyên cung cấp hàng hóa nhập khẩu” xóa kết bạn với chị.

Tương tự thủ đoạn như trên, một đối tượng cũng gọi điện cho chị Quàng Thị Đ., chủ nhà hàng T.Đ ở phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La giới thiệu là cán bộ hậu cần của một đơn vị quân đội ở tỉnh Ninh Bình, đặt 100 suất cơm cho đoàn công tác từ Ninh Bình đến thành phố Sơn La vào tối ngày 25/12.

Đến khoảng 14h ngày 25/12, đối tượng gọi cho chị Đ. nói đoàn công tác đã đến Mộc Châu, nhờ chị Đ. mua giúp 35 hộp patê cá hồi, 35 hộp pa tê gan ngỗng và 5 chai rượu vang đỏ, tổng trị giá hơn 16,4 triệu đồng. Sau đó người đàn ông này cho chị Đ. số điện thoại để liên hệ mua pa tê và rượu vang, nhờ chị trả tiền trước, khi nào đến ăn cơm sẽ thanh toán cùng tiền cơm. Do nghi ngờ nên chị Đ. yêu cầu người này chuyển khoản cho chị trước, thì lập tức chị bị xóa kết bạn và không liên lạc được với người đàn ông đặt cơm nữa.

Theo cơ quan Công an, trong thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, lực lượng Công an sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để người dân nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần chủ động cảnh giác, tỉnh táo trước nhưng thủ đoạn của các đối tượng không quen biết, không đặt mua hàng hóa, giao dịch tài sản khi chưa biết thông tin qua mạng xã hội Zalo, Facebook…để tránh “tiền mất, tật mang”.

Các tin khác