Dốc lên xuống cầu Kênh Tẻ không còn làn đường dành cho người đi bộ
Cầu Kênh Tẻ có lưu lượng xe lớn nên thường xuyên ùn tắc giao thông. Cầu chỉ dài hơn 700m, nhưng giờ cao điểm người tham gia giao thông phải mất trên dưới 1 giờ mới vượt được qua cầu. Để khắc phục tình trạng này, giữa năm 2018, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đầu tư thực hiện dự án mở rộng mặt cầu Kênh Tẻ từ 14,1m lên 16,5m. Tổng kinh phí đầu tư gần 90 tỷ đồng. Cách mở rộng cầu là xén bỏ lối đi dành cho người đi bộ để nới rộng mặt đường.
Ghi nhận của phóng viên, sau khi cầu Kênh Tẻ được mở rộng, tình trạng ùn tắc không giảm được bao nhiêu, mà người đi bộ thì không còn lối qua cầu. Ở hai dốc cầu, phần lối đi hai bên cầu dành cho người đi bộ đã bị xén mất, rồi treo bảng cấm người đi bộ qua cầu. Đi tiếp lên cầu thì còn chơ vơ một đoạn làn đường dành cho người đi bộ không bị xén đi, nhưng không còn công dụng để đi bộ hay cứu nạn, vì cả hai dốc cầu đều không còn lối đi bộ để kết nối.
Cầu Kênh Tẻ nằm trong nội ô thành phố, vì thế không chỉ dành cho các phương tiện ô tô, xe máy, mà nhu cầu đi bộ qua lại của người dân hai bên cầu rất lớn và không thể thiếu. Từ khi cầu Kênh Tẻ bị xén mất lối đi dành cho người đi bộ, việc đi lại của người dân hai bên bờ kênh gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh, sinh viên, người lao động lâu nay đi bộ qua cầu đón xe buýt, nay không thể.
Ông Đỗ Ngọc Giang (ở phường Tân Hưng, quận 7) phản ánh: “Hàng ngày đi qua cầu vào trung tâm thành phố, tôi thường thấy nhiều người đứng ở dốc cầu phía quận 7, chần chừ không sang được quận 4 vì cầu không còn làn cho người đi bộ và đã có biển báo cấm. Từ khi cầu không còn lối cho người đi bộ, đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những người bán vé số liều đi bộ dưới lòng đường để qua cầu, mạo hiểm chen chúc, né tránh xe cộ. Nguy hiểm nhất là lúc đi lên và xuống dốc cầu, đoạn này làn cho người đi bộ không có, trong lúc các phương tiện xe cộ lại lao nhanh, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông”.
Việc nâng cấp mở rộng cầu Kênh Tẻ bằng cách xén bỏ lối đi dành cho người đi bộ, rồi treo bảng cấm người đi bộ qua cầu không chỉ gây khó cho người dân, mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Điều 44 về việc bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ đã quy định rõ: “Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đường đô thị xây dựng phải có hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm và tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận tiện”. Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ như vậy, sao chính ngành giao thông lại cho phép xén bỏ lối đi dành cho người đi bộ, người khuyết tật?