Hủy nhưng vẫn phải gánh phí tháng 2
Anh Tâm (TP Thủ Đức) cho hay đã nhắn tin hủy dịch vụ sau khi bị trừ 55.000 đồng phí tháng 1. Tuy nhiên, khả năng tháng 2 anh vẫn bị trừ 27.500 đồng vì trước khi hủy dịch vụ vẫn phát sinh 28 tin nhắn và theo quy định, nếu phát sinh từ 20 đến 50 tin nhắn sẽ bị trừ phí 27.500 đồng (đã bao gồm VAT).
Nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự anh Tâm là đã hủy dịch vụ nhưng vẫn chưa thoát khỏi việc bị thu phí cao vì hiện nay đã gần cuối tháng 2, do vậy họ vẫn phải trả phí tin nhắn đã phát sinh trong 20 ngày qua vào kỳ thu phí tháng sau.
Chị Kim (Phú Nhuận) cho hay do kinh doanh nên vợ chồng chị đang sử dụng hai tài khoản và bị trừ phí tổng cộng 154.000 đồng trong tháng 1.
"Hôm nay, 21-2, tôi đã hủy luôn dịch vụ nhận tin nhắn để chuyển qua nhận thông báo qua app, nhưng khả năng tháng sau tôi vẫn phải mất cả trăm ngàn tiền phí nữa mới dứt", chị Kim than.
Trong khi đó, phía Vietcombank cũng đã lên tiếng. Theo thông tin được chia sẻ trên fanpage hôm nay, 21-2, Vietcombank cho biết việc điều chỉnh biểu phí dịch vụ ngân hàng điện tử và chính sách dịch vụ tài khoản dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ 1-1-2022.
Ngân hàng cũng đã thông tin trên các kênh app, email, website, fanpage Vietcombank và gửi tin nhắn trực tiếp tới những khách hàng có số lượng nhận tin nhắn cao, căn cứ vào lịch sử sử dụng trong 3 tháng 10-11-12 của năm 2021.
Đồng thời, Vietcombank cũng khuyến cáo khách hàng thay thế SMS chủ động để tiết kiệm chi phí bằng cách đăng ký tính năng OTT Alert ngay trên VCB Digibank. Các bước thực hiện là: đăng nhập ứng dụng VCB Digibank - cài đặt - quản lý thông báo - nhận thông báo từ ngân hàng.
Nhà mạng sẽ thất thu hàng ngàn tỉ?
Các chuyên gia cho rằng việc thay đổi chính sách phí của các ngân hàng lần này sẽ dẫn đến làn sóng hủy dịch vụ SMS Banking quy mô lớn để chuyển sang nhận tin qua app.
Phần thiệt sẽ rơi vào phía nhà mạng, còn các ngân hàng chỉ là "người thu hộ" và các ngân hàng cũng đang thúc đẩy người dùng chuyển sang nhận tin qua app thay cho việc nhận tin từ nhà mạng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng các nhà mạng sẽ thiệt nếu khách hàng của các tổ chức tín dụng không sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS Banking nữa.
"Các tổ chức tín dụng với lượng khách hàng lên đến vài chục triệu người đang là khách hàng lớn của các nhà mạng. Nếu không vì quyền lợi của người sử dụng mà giảm mức phí tin nhắn SMS thì chắc chắn các nhà mạng sẽ bị thiệt đầu tiên" - ông Hùng nhận định.
Theo ông Hùng, việc các nhà mạng lâu nay không giảm phí tin nhắn SMS Banking khiến ngân hàng và người tiêu dùng bị thiệt thòi. Cho nên khách hàng sẽ chuyển sang hình thức nhận tin nhắn qua app của các tổ chức tín dụng là điều dễ hiểu.
Thời gian gần đây, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang khuyến khích các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số... để thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, một số ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên kênh ngân hàng số. Điều này sẽ giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí, đồng thời hạn chế thấp nhất việc thu phí đối với khách hàng.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh 15-20 triệu tin nhắn/tháng, còn ngân hàng quy mô lớn phát sinh 50-80 triệu tin nhắn/tháng.
Nếu tính mức giá trung bình là 800 đồng/tin nhắn SMS, thì mỗi tháng một ngân hàng quy mô lớn sẽ trả cho nhà mạng khoảng 64 tỉ đồng cước phí tin nhắn, tương đương 786 tỉ đồng/năm. Với ngân hàng quy mô nhỏ, cước phí tin nhắn phải trả hằng tháng cho khoảng 20 triệu tin là khoảng 16 tỉ đồng, tương đương 192 tỉ đồng/năm.
Với số lượng 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, ước tính số tiền cước phí mà các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng/tháng.