Lâu nay, có một sự thật không ai phủ nhận, hễ có bệnh gì những người Việt giàu có lập tức bay ra nước ngoài chữa trị. Gần thì sang Singapore, xa chút thì Nhật Bản và xa hơn nữa là Mỹ. Thế nhưng, với dịch Covid-19 không ai có ý định bay đi nơi khác để tránh, ngược lại du học sinh từ khắp nơi đổ về quê hương.
Lý do cơ bản là Việt Nam với quyết tâm cao, chuẩn bị kỹ đã ngăn chặn khá tốt và chữa trị rất tốt những ca nhiễm virus corona chủng mới. Nhưng có lý do nhỏ nhoi lại có sức ảnh hưởng lớn, là sự kiện thiếu nữ T.T được ông bố đại gia bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để thuê máy bay riêng đưa từ London về Tân Sơn Nhất rồi vào thẳng khu vực cách ly Củ Chi TPHCM. Thiếu nữ T.T được đánh dấu xác định là bệnh nhân thứ 32 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Hành động của ông bố đại gia rất đáng ngưỡng mộ, nhưng không phải các bậc phụ huynh khác đều có thể làm theo. Số tiền hơn 8 tỷ đồng là tài sản khổng lồ, dẫu thương con cái như trời biển nhiều người cũng đành lực bất tòng tâm. Không thể bắt chước phương án máy bay riêng, nhưng cũng chợt ngộ ra con đường hanh thông cho những du học sinh châu Âu là vội vã trở về Việt Nam.
Một phụ huynh cho biết: “Cỡ nhiều tiền như ông bố đại gia kia, có thể đưa con gái sang những nước có nền y học hiện đại bậc nhất, nhưng vẫn quyết định như vậy, tại sao mình dám để con bơ vơ xứ sở sương mù”. Đã có tiền cho con du học ở nơi đắt đỏ như Anh, một cái vé máy bay từ phi trường Heathrow đến Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất không thể làm khó các bậc phụ huynh. Vậy là từng đợt du học sinh đổ về quê hương, không ít người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, những đơn vị điều trị khiến họ lạc quan hơn.
Những ngày này ở các cảng hàng không luôn tấp nập nhưng không phải là khách du lịch mà chủ yếu các du học sinh trở về nước tránh dịch.
Du học sinh Trần Thành về từ Anh thổ lộ công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng: “Tôi may mắn được bước lên một trong những chuyến bay Vietnam Airlines cuối cùng từ tâm bão dịch châu Âu để về với Đất Mẹ. Một chuyến bay chỉ có 18 hành khách trên chiếc máy bay 300 chỗ. Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay cứu nạn. Trong 18 người trên chuyến bay 17 người là người Việt.
Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, Quảng Ninh, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: "Sống rồi", vì biết rằng về đến Việt Nam là chạy thoát khỏi ổ dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là có bị nhiễm Covid-19 hay không, mà là về được Việt Nam hay không. Kể cả nếu dương tính ngay lập tức được theo dõi chữa trị, còn ở lại châu Âu sẽ bị trả về nhà tự đương đầu với bệnh tật”.
Những con số thống kê trước đây về nguồn tài chính từ Việt Nam chảy vào các trường đại học nước ngoài, đã từng khiến nhiều người phải suy tư. Tuy nhiên, chỉ khi có dịch Covid-19, dòng du học sinh ồ ạt quay về mới thấy rõ hơn sự thật này. Thật đáng ngạc nhiên, không chỉ có doanh nhân hay quan chức, rất nhiều cán bộ bình thường cũng có con em du học.
Thực tế ấy, quả là công trình nghiên cứu thú vị dành cho những nhà xã hội học. Phải chăng, đời sống Việt Nam đang có khoản tiền ngầm rất lớn trong cộng đồng được ẩn nấp ở bất động sản hoặc vàng bạc? Hàng năm nhiều người vẫn bí mật chi phí cho con em du học nước ngoài, có lẽ không mấy người tiên liệu con em của họ sẽ quay lại phục vụ non sông. Chỉ khi có dịch Covid-19, mới xảy ra cuộc tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận.
Không ít người giàu than ngắn thở dài khi con em họ vẫn còn kẹt lại ở vùng dịch châu Âu và Mỹ. Và cũng có người ngậm ngùi tiếc nuối, giá như họ đừng cho con em đi du học bây giờ không phải lâm vào cảnh đứng ngồi không yên. Hiếm hoi lắm, mới có vài trường hợp có suy nghĩ tích cực, như câu chuyện của Thanh Hường từ Italia, chia sẻ nguyên nhân không chen lấn trở về Việt Nam trong mùa Covid-19: “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho quê hương tôi, 14 ngày cách ly, cơm ăn miễn phí có, người phục vụ có... tôi đã làm gì để đáng được hưởng đặc ân này. Tôi đi làm và đóng thuế cho chính phủ Italia (dù mới chỉ 2 năm nay), bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của tôi tại Italia, dù trước đó tôi đã có 8 năm làm việc đóng thuế ở Việt Nam, nhưng thời điểm này nếu tôi trở về là thêm phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.
Thanh Hường nhắn nhủ: “Điều tôi muốn nói ở đây là, các bạn kiều bào, du học sinh, nếu thành phố của các bạn vẫn an toàn, bản thân các bạn đang khỏe mạnh, đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay, đó có thể là nơi nguy cơ lây bệnh cho các bạn. Hơn nữa, làn sóng trở về Việt Nam sẽ mang bao nhiêu nguồn bệnh trở về”.
Tuy không kỳ thị và cũng không ác cảm, nhưng không thể phủ nhận điều đang hiển thị rõ ràng: người nghèo mỗi ngày chắt chiu nộp thuế xây dựng hệ thống y tế Việt Nam, còn người giàu chỉ quan tâm đến hệ thống y tế Việt Nam khi họ sợ hãi con virus corona. Đã là đại dịch toàn cầu, mọi chi phí điều trị đều được ngân sách đài thọ. Có bao nhiêu người giàu có con em du học trở về Việt Nam né Covid-19, đã thấu hiểu và chung tay với Chính phủ trong tinh thần “chống dịch như chống giặc”?
Cũng may, sau khi bỏ hơn 8 tỷ đồng thuê máy bay riêng đưa con gái mình về Việt Nam, ông bố đại gia đã phát tâm quyên góp cho chiến dịch phòng chống Covid-19. Sau khi trao tặng 9 máy điều trị áp lực âm trị giá 6,2 tỷ đồng, ông bố đại gia tiếp tục quyên góp 25 tỷ đồng để ngành y tế mua sắm thiết bị điều trị Covid-19.
Rất chân thành, ông bố đại gia bày tỏ sự hân hoan: “Khi đưa con gái về nước là tôi đã trao trọn niềm tin, tính mạng con tôi cho đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Đó là quyết định quá đúng đắn. Giờ đây con gái tôi đang hồi phục”.