Mỗi khi có dịp tiếp xúc, ông vẫn nói về cây lúa, con tôm... Ông nói một cách tâm huyết, chất chứa cả trăn trở và niềm vui của người con vùng đất châu thổ ĐBSCL.
GS-TS Võ Tòng Xuân (ngồi giữa)
Một thời “cấy lúa không đủ cua kẹp”
Một trong những kỷ niệm đẹp khó quên của GS-TS Võ Tòng Xuân là cùng kỹ sư Hồ Quang Cua mang gạo ST25 đi thi và đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Đó là năm ông bước vào tuổi 80. Ông ngồi tại hội thi và lấy máy tính gõ bản tin gửi về Việt Nam để thông tin nhanh với vài tờ báo về gạo ST25 đoạt giải cao nhất.
Hẳn ít người biết giữa GS-TS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua - hai người đều được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, có một mối giao tình thầy trò hơn 40 năm. Kỹ sư Hồ Quang Cua là một trong những lớp học trò đầu tiên của GS-TS Võ Tòng Xuân sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1976, khi nhiều đồng lúa ở miền Tây bị rầy nâu càn quét trơ trụi, GS-TS Võ Tòng Xuân khẩn trương tìm giống lúa kháng rầy giúp nông dân. Đúng lúc, Trường Đại học Cần Thơ đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm. “Năm 1977, bác Giáp ghé thăm ngân hàng giống do tôi phụ trách. Hồi hộp dữ lắm vì danh tiếng của ông quá lớn và tới thăm mình trực tiếp.
Ông coi hạt giống rất kỹ, tôi cũng trình bày sinh viên sưu tầm gần 1.000 hạt giống lúa, giống lúa nổi có, giống lúa mùa dài ngày, ngắn ngày cũng có. Rồi Đại tướng ra tận ruộng xem làm giống. Đại tướng nói, làm vậy là tốt lắm rồi, giờ mình phải đẩy mạnh sản xuất lương thực vì sau chiến tranh thì cái cần lo tiếp là phải có đủ lương thực”, GS-TS Võ Tòng Xuân nhớ lại.
Ngay sau đó, GS-TS Võ Tòng Xuân đã mạnh dạn đề nghị lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ “đóng cửa trường” để đưa sinh viên mang giống lúa kháng rầy nhân rộng ra. Khi ấy, sinh viên phải thuộc lòng và thực hiện tốt 3 bài học, gồm: cách làm nương mạ cho thật tốt; cách chuẩn bị đất để cấy và cách cấy 1 tép lúa/1 bụi. Ông kể, lúc sinh viên về Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) để cấy lúa nhân giống kháng rầy thì không ít nông dân ái ngại khi thấy lúa cấy chỉ có 1 tép.
“Trời ơi, kỹ sư gì ở đâu mà xuống đây cấy lúa sao không thấy cây nào hết trơn, lúa cấy 1 tép không đủ cho cua kẹp nữa”, ông nhớ lại lời của lão nông Tám Tấn - một nông dân giỏi của vùng Mỹ Xuyên lúc bấy giờ, rồi kể tiếp: “Nhưng qua một tuần lễ thì cây lúa xanh lên, hai tuần bắt đầu nở bụi. Lão nông Tám Tấn trầm trồ khen những kỹ sư cấy trên đống phân hèn chi lúa tốt quá chừng. Cuối cùng, chỉ trong vòng hai mùa, rầy nâu hoàn toàn vắng bóng. Cái này mình mang đi báo cáo mấy hội nghị quốc tế, họ ngạc nhiên lắm”.
Nói thì nghe đơn giản, nhưng đó là cả quá trình mà GS-TS Võ Tòng Xuân phải dùng đến điện tín nhờ mấy người bạn ở Viện lúa Quốc tế (IRRI) gửi sang giống kháng rầy đựng trong mấy bì thư, rồi đem cấy nhân ra được 4kg, sau đó nhân ra gần 2.000kg. Đó là một trong những đóng góp của ông giúp vựa lúa ở châu thổ miền Tây vượt qua đại nạn rầy nâu năm 1977, góp phần “lo cho cái bụng cả nước”.
Vui cùng thành tựu của học trò
Sau nhiều năm nghiên cứu về cây lúa ở Philippines, Nhật Bản, GS Võ Tòng Xuân trở về làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ từ sau giải phóng miền Nam. “Hồi mới giải phóng, cán bộ vào tiếp quản hỏi GS Võ Tòng Xuân còn đây không? Nghe trả lời còn, ổng nói trong vùng giải phóng ổng nghe tôi dạy nông dân trồng lúa trong Chuyện gia đình Bác Tám (một chương trình trên đài phát thanh) hết trơn. Nghe mà nhẹ cả lòng”, GS Võ Tòng Xuân cười nhớ lại.
Anh Danh Quốc Cường, một người Khmer Nam bộ, hiện là quản lý mảng kinh doanh của một công ty bán máy cơ khí ở ĐBSCL, kể: “Gần 10 năm trước, khi du học ở Úc, tôi vào thư viện, rất vui và tự hào khi thấy sách của GS Võ Tòng Xuân viết về cây lúa rất nhiều. Các bạn học ở châu Phi đọc miệt mài”. Có thể nói, tên tuổi và những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Năm 2017, Đại học Nông nghiệp Philippines trao 2 giải thưởng “Cựu sinh viên Golden Jubilarian xuất sắc nhất” và “Cựu sinh viên xuất sắc về kỹ thuật lúa gạo” nhân ngày truyền thống của trường cho GS-TS Võ Tòng Xuân.
Cách đây gần 16 năm (năm 2006), Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL tại Bến Tre, khi ấy kỹ sư Hồ Quang Cua đã trình bày một tham luận khá ấn tượng về lúa thơm Sóc Trăng. Người kỹ sư chân đất chỉ đưa ra “khát vọng đầu tiên” là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo thơm Sóc Trăng”. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, câu chuyện về những giống lúa thơm đầu tiên “đặt chân” vào vùng đất Sóc Trăng đến nay đã tròn 30 năm. Chặng đường hình thành lúa thơm của Sóc Trăng mang đậm dấu ấn tri giao giữa kỹ sư và GS-TS Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM 105 về Việt Nam). “Nếu GS Võ Tòng Xuân không dành hết tâm huyết thì khó có dòng lúa thơm ST hiện nay. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ngành nông nghiệp làm gì có kinh phí. Nhờ GS Xuân hỗ trợ giống rồi chi trả kinh phí, anh em cán bộ kỹ thuật mới đủ lực quản lý sản xuất nhân giống”, kỹ sư Hồ Quang Cua kể.
Còn với GS Võ Tòng Xuân, ông luôn theo sát từng bước chân của người học trò Hồ Quang Cua trong lai tạo các dòng lúa thơm ST1, ST2 và nay đã là ST25. “Từ những dòng ST đầu tiên, đến ST24 mới thấy ngon lành, nhưng mùi thơm chưa đạt. Kỹ sư Hồ Quang Cua đã sưu tầm, cần mẫn lai tạo thêm một giống nếp thơm thì cho ra lò ST25 hoàn thiện gạo thơm ngon”, GS Võ Tòng Xuân nhận xét về người học trò của mình.
Sau năm 2000, GS-TS Võ Tòng Xuân về hưu, nhưng nhiệt huyết với miền Tây hay “khát vọng gieo con chữ trên ruộng đồng” luôn hiện hữu trong ông. Vì vậy, ông tiếp tục làm Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, rồi Trường Đại học Nam Cần Thơ. Những ngày tháng 5-2022, lịch làm việc của Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ - GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn dày đặc. Mỗi lần có dịp trò chuyện, ông miệt mài nói về những trăn trở của vùng đất châu thổ. “Chỉ có nâng chất giáo dục cho miền Tây mới hy vọng có một lớp nông dân giàu tri thức trên đồng ruộng. Họ sẽ phá bỏ “cái bờ cơm nếp, tiểu nông” trên đồng, bắt tay liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã mới ra biển lớn được. Tôi mong chính quyền các địa phương phải xem hợp tác xã kiểu mới là một công cụ để hỗ trợ những cách thức sản xuất tiên tiến, giao dịch mua bán mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân”, GS-TS Võ Tòng Xuân tâm huyết.
“Khi còn tỉnh Minh Hải (sau chia tách thành Cà Mau và Bạc Liêu), tôi được Đảng ủy Trường Đại học Cần Thơ phân công xuống giúp nông dân trong sản xuất lúa cao sản và lúa mùa. Kết quả cũng nâng được sản lượng lên đáng kể. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ là khi tôi được một lãnh đạo tỉnh đặt bài viết trên một tập san. Tôi viết bài và đặt tựa “Sự quyến rũ của nước mặn” để nói về cái hay của nước mặn, từ sinh cảnh vùng nước mặn đến cá, tôm, cua… Tất cả thuận thiên”, GS-TS Võ Tòng Xuân kể lại. |
Cuối năm 2019, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM đến Trường Đại học Nam Cần Thơ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản tặng GS-TS Võ Tòng Xuân. “Quan hệ giữa hai nước đã vươn lên thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Suốt hơn 40 năm, GS-TS Võ Tòng Xuân luôn miệt mài nghiên cứu dựa trên những kiến thức có được về nông nghiệp, thủy sản của Nhật Bản để giúp tăng sản lượng lương thực và nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ở Nhật Bản có câu “một hạt gạo là một giọt mồ hôi”, ngụ ý phải rất vất vả mới làm ra được hạt gạo. Với tinh thần kiên trì, bền bỉ như khi làm hạt gạo, dù trên cương vị là một nhà nghiên cứu về nông nghiệp, nhà giáo, GS-TS Võ Tòng Xuân không ngừng nỗ lực cống hiến, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sự tận tâm và cống hiến không ngừng của GS-TS Võ Tòng Xuân chính là viên đá đặt nền móng cho mối quan hệ Nhật - Việt tốt đẹp như hôm nay”, ông Kawaue Junichi, đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chia sẻ tại buổi lễ. |