
Ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir đã kế thừa một nước Nga “hỗn loạn và chao đảo”, bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị. Song bằng tài lãnh đạo của mình, ông Putin từng bước “hồi sinh” nước Nga “vĩ đại trở lại” và phát huy những giá trị vốn có. Hiện giờ, khi tiếp tục nắm giữ nhiệm kỳ thứ 4, ông phải đối mặt với thách thức cam go nhất, đó là đảm bảo những thành tựu gây dựng nên được duy trì và củng cố cho đến khi rời nhiệm sở.
Trong suốt 17 năm lãnh đạo, Tổng thống Putin đã dẫn dắt nước Nga qua các mốc son, mà theo cách gọi của giới phân tích là “ổn định lại nước Nga” (giai đoạn 2000-2003), “khiến nước Nga giàu có” (2004-2007) và “một lần nữa khiến nước Nga được tôn trọng” (2012-2017). Nga có vô số thay đổi khiến cả thế giới phải “ngước nhìn”. Tuy nhiên, việc giữ vững vị thế của nước Nga trong tương lai không phải là điều dễ dàng. Để thực hiện được điều này, Tổng thống Nga Putin đang mạnh dạn thực hiện nhiều sách lược mới mẻ.
Trẻ hóa nhân sự
Không giống như những người tiền nhiệm Yeltsin và Leonid Brezhnev, Tổng thống Putin ý thức rất rõ trách nhiệm phải xây dựng tương lai cho nước Nga khi ông không có ý định tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Chẳng vậy mà hồi tháng 3 vừa qua, khi trả lời câu hỏi về việc liệu có tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 hay không, Tổng thống Putin đã đùa rằng: “Gì cơ, tôi sẽ ngồi đây cho đến khi tôi 100 tuổi á? Tất nhiên là không?”. Và trẻ hóa bộ máy cầm quyền chính là sách lược đầu tiên của ông Putin.
Maxim Oreshkin cùng các đồng nghiệp của ông có quan điểm khác biệt so với thế hệ đi trước. Họ hiện đại và cởi mở với thế giới bên ngoài, từng tiếp cận với các hãng truyền hình hay tin tức của Mỹ, sử dụng internet và đi du lịch, trái ngược với những người lớn tuổi thường tư duy theo lối mòn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc thế hệ tương lai của nước Nga sẽ bị "phương Tây hóa" bởi người dân Nga, đặc biệt là giới trẻ rất sợ việc bị rơi vào trục xoay do Mỹ điều khiển và cũng không muốn dung nạp tư tưởng của Liên minh Châu Âu.
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thường coi trọng kinh nghiệm chính trường mỗi khi cất nhắc, bổ nhiệm đội ngũ kế cận hay vị trí đứng đầu các khu vực quan trọng, thì ông Putin dường như lại chú trọng đến những người trẻ. Chính phủ Nga vẫn thiếu vắng những cá nhân trẻ tuổi và Tổng thống Putin hiện giờ đang phải đối mặt với bài toàn khó vì các nhân vật chủ chốt trong chính quyền ông đã cận kề tuổi nghỉ hưu, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu (62 tuổi) và Ngoại trưởng Sergei Lavrov (68 tuổi).
Giới quan sát cho rằng, chính sách tuyển dụng nhân sự của ông tương tự như mô hình của những tập đoàn lớn, đó là phát hiện và phát huy thế mạnh của những người tài, những cá nhân có năng lực. Đội ngũ này được kỳ vọng có thể tiếp cận nhanh nhạy tình hình và giải quyết những khó khăn mà nước Nga đang phải đối mặt một cách hiệu quả.
Khát vọng top 5 cường quốc kinh tế
Trong lời tuyên thệ ngay khi nhậm chức ngày 7/5, Tổng thống Putin cho biết, phục hồi nền kinh tế Nga đang bị suy thoái sẽ là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông.
Phát biểu trước hàng nghìn người tại Hội trường Andreevsky của Đại điện Kremlin, ông Putin nhấn mạnh: “Chúng ta phải sử dụng tất cả các tiềm năng sẵn có, trước hết giải quyết các nhiệm vụ phát triển nội bộ, tạo ra đột phá về kinh tế và công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực này trong tương lai. Chất lượng cuộc sống mới hạnh phúc, an ninh và sức khỏe của người dân là ưu tiên chính ngày hôm nay.”
Kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu trên thế giới sụt giảm, cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo nguồn tin từ AP, đồng rúp đã mất một nửa giá trị từ năm 2014 đến 2016.
Tuy nhiên, sau thời gian dài “oằn mình” chống chọi với khó khăn, nền kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất và đang trên đà hồi phục. Năm 2017 kết thúc với kết quả khả quan, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nga tăng 1,5%. Theo dự báo, trong năm 2018 kinh tế Nga sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Dẫu vậy, thành công này chưa đủ sức để giúp nền kinh tế Nga đứng vững trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, cũng như góp phần cải thiện đời sống người dân, khi ước tính còn khoảng 20 triệu người đang sống dưới mức nghèo.(theo số liệu do tờ Guardian cung cấp).
Trong sắc lệnh mới được ký kết ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa nước Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Nga sẽ phải phải tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số.
Lột xác về quốc phòng
Nga đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn vào năm 2009, sau gần 2 thập kỷ gián đoạn vì thiếu kinh phí. Những cuộc hành quân, tập trận dồn dập và triển khai lực lượng bất ngờ đã giúp quân đội Nga tăng cường khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga cũng tăng cường chi tiêu quốc phòng, vươn lên vị trí thứ 2 sau Mỹ theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2017 của trang Hỏa lực Toàn cầu (Global Fire Power).
Một thắng lợi lớn về quân sự của Nga phải kể đến là chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Nga đã tiến hành can thiệp quân sự tại Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar Al Assad vào năm 2015 và đến thời điểm hiện tại đã đẩy lùi được khủng bố IS.
Chiến dịch này không chỉ giúp Nga bảo vệ vai trò lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nga có sự hiện diện quân sự công khai quy mô lớn ở Trung Đông, mà còn giúp ông Putin đưa nước Nga trở lại vị thế xứng đáng giữa các cường quốc.
Bình luận viên Dmitri Trenin của tờ Foreign Affairs cho biết, sau khi hoàn thành sứ mệnh ở Syria, quân đội Nga chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện ở Bắc Cực và các quốc gia ở biên giới phía nam cũng như khu vực Trung Á.