
Thị trường tăng 4 phiên liền
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,74% lên 5.525,21 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 1,26% lên 17.282,94 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 20 điểm, tương đương 0,05% lên 40.113,50 điểm.
Cổ phiếu Alphabet tăng 1,5% sau khi báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý đầu tiên vượt kỳ vọng,. Trong khi, cổ phiếu Tesla bứt phá 9,8%, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác là Nvidia và Meta Platforms lần lượt tăng 4,3% và 2,7%.
Các chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng trong tuần, ghi nhận tuần tăng thứ 2 trong 3 tuần qua. S&P 500 tiến 4,6%, còn Nasdaq Composite bật tăng 6,7%. Dow Jones hoạt động kém hơn, nhưng vẫn tăng 2,5% trong tuần này. Với mức tăng mới nhất này, Nasdaq Composite hiện tăng nhẹ trong tháng 4, nhưng S&P 500 vẫn giảm 1,5% từ đầu tháng đến nay. Dow Jones mất 4,5% trong tháng này.
Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi nhà đầu tư cố gắng hiểu được mức độ nghiêm trọng của chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lần đầu tiên vào ngày 2/4. Những thông điệp trái chiều xung quanh thương mại đã làm tăng thêm sự biến động này.
Trung Quốc hôm 24/4 cho biết không có cuộc đàm phán nào với Mỹ về một thoả thuận thương mại tiềm năng. Điều này diễn ra sau khi Mỹ dường như đã mềm mỏng hơn trong lập trường quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Vào ngày thứ Sáu, tạp chí Times đã công bố nhận định của ông Trump rằng ông sẽ xem đó là “chiến thắng hoàn toàn” nếu Mỹ áp dụng mức thuế quan cao 20% - 50% đối với các quốc gia nước ngoài 1 năm kể từ bây giờ. Nhưng những phát biểu của ông hồi ngày 22/4 được công bố vào ngày 25/4 cũng cho biết ông Trump kỳ vọng các thông báo về nhiều thoả thuận sẽ được đưa ra “trong 3 đến 4 tuần tới.”
Góp phần làm nhà đầu tư bối rối, ông Trump đã nói với các phóng viên từ chiếc Air Force One rằng ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc trừ khi “họ đưa cho chúng ta thứ gì đó.”
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích vẫn lạc quan rằng tình trạng bất ổn tồi tệ do thuế quan gây ra đã qua, động lực chính cho thị trường vào tuần tới sẽ là báo cáo lợi nhuận từ các công ty siêu quy mô như Microsoft và Amazon.
Dầu giảm do lo ngại về tình trạng dư cung
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 32 xu lên 66,87 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 23 xu lên 63,02 USD.thùng.
Tuy nhiên, hợp đồng dầu Brent vẫn giảm hơn 1% trong tuần này, còn hợp đồng dầu WTI mất hơn 2%.
Tuần này, giá dầu giảm do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu từ OPEC+ vẫn tiếp diễn, trong khi triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra. Đồng USD mạnh hơn cũng gây áp lực lên giá dầu thô.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này và Mỹ không có bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan. Điều này trái ngược với những phát biểu trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cho biết vào ngày 24/4 rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được tiến hành.
Trung Quốc đang xem xét miễn một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ khỏi mức thuế 125% và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách cách mặt hàng có thể đủ điều kiện trong dấu hiệu lớn nhất cho thấy mối lo ngại của Bắc Kinh về hậu qủa kinh tế từ cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc đã tăng thuế sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc.
Giá dầu đã giảm mạnh vào đầu tuần này sau khi mức thuế quan cao làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu và tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính.
Lo ngại về tình trạng dư cung gia tăng. Một số thành viên OPEC+ đã đề xuất nhóm này đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ 2 liên tiếp vào tháng 6, Reuters đưa tin.
Mỹ và Nga đang đi đúng hướng để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, tuy nhiên, một số yếu tố cụ thể của thoả thuận vẫn chưa được thống nhất, Bộ trưởng Ngoai giao Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS News.