Số tiền hỗ trợ từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng. Nhiều NLĐ ở TPHCM đang mong sớm được nhận khoản tiền này để trang trải một phần khó khăn trong cuộc sống.
Còn thiếu thông tin
Anh Nguyễn Thành Bằng, công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, quận Bình Tân, cho biết, anh ở tỉnh Quảng Nam vào TPHCM làm công nhân may từ cuối năm 2018. Đến giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, anh phải nghỉ việc không lương, từ sau tết đến nay vật giá leo thang nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Nghe thông tin NLĐ sẽ được hỗ trợ tiền thuê trọ, anh và các bạn cùng phòng rất vui mừng.
“Việc hỗ trợ dù bao nhiêu cũng rất đáng quý thời điểm này. Chỉ mong quy trình, thủ tục đơn giản để chúng tôi sớm nhận được tiền. Tôi cũng hơi lo vì chủ dãy trọ nơi tôi đang thuê không có mặt thường xuyên, nên việc chủ dãy trọ điền thông tin cá nhân, ký xác nhận vào đơn hỗ trợ rất khó khăn và mất thời gian. Thậm chí, theo bạn bè cùng quê kể lại, nhiều chủ nhà trọ không nhiệt tình ký xác nhận, nên NLĐ gặp khó”, anh Nguyễn Thành Bằng tâm sự.
Anh Trần Công Hoàn, công nhân một công ty gỗ tại huyện Hóc Môn, kể, anh ở tỉnh Cà Mau lên TPHCM thuê phòng trọ với giá 1,8 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí điện, nước. Đến nay, công ty vẫn chưa có thông báo hay hướng dẫn NLĐ làm các thủ tục để nhận tiền hỗ trợ. “Tôi đi làm lại từ tháng 10-2021, nhưng công việc còn khá ít, bữa làm, bữa nghỉ nên thu nhập mỗi tháng chỉ bằng 1/2 so với trước dịch Covid-19 (khoảng 4 triệu đồng/tháng). Trong giai đoạn bão giá này, đồng lương đó luôn làm tôi thiếu trước hụt sau. Do vậy, chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ là rất cần thiết ngay lúc này”.
Gần 19 giờ tối, chị Thạch Thị Chang Thia, công nhân Công ty May Thành Công, quận 12 mới trở về nhà trọ sau những giờ làm việc tăng ca. Nói về chính sách hỗ trợ NLĐ tiền thuê trọ, chị cảm thấy khá bất ngờ: “Tôi vẫn chưa nghe công ty thông báo gì về các thủ tục, quy trình, cách làm đơn để nhận hỗ trợ tiền thuê trọ. Từ sau tết đến nay, hai vợ chồng tôi đi làm lại bình thường nhưng thu nhập còn bấp bênh, phải chi tiêu dè sẻn. Nếu được hỗ trợ thêm tiền nhà trọ thì tôi rất mừng, dù là khoản tiền nhỏ nhưng phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt gia đình mỗi tháng”.
Sẵn sàng hỗ trợ
Theo mẫu đơn đề nghị nhận hỗ trợ, NLĐ phải điền các thông tin cá nhân và có chữ ký xác nhận của người chủ cho NLĐ thuê trọ. Nhiều chủ nhà trọ đều cho biết sẵn sàng hỗ trợ để NLĐ tiếp cận được các chính sách từ Nhà nước.
Chị Trương Thị Kim Phụng, chủ dãy nhà trọ gồm 15 phòng trên đường TL15, phường Thạnh Lộc, quận 12, cho hay, đa số người thuê trọ đều là công nhân các công ty trên địa bàn, cuộc sống rất khó khăn. QĐ 08 hỗ trợ NLĐ kịp thời, tuy nhiên, đến nay chị vẫn chưa nghe chính quyền địa phương tuyên truyền, thông báo về chính sách này. “Nếu được chính quyền thông báo, hướng dẫn, tôi sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân, ký xác nhận để toàn bộ NLĐ trong dãy trọ kịp thời tiếp cận được khoản hỗ trợ ý nghĩa này”, chị Phụng thổ lộ.
Dãy nhà trọ gồm 40 phòng trên đường Nguyễn Thị Tú, quận Bình Tân có gần 100 NLĐ đang thuê ở, đa số đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn quận. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ dãy trọ, cho rằng cần sớm triển khai chính sách này và tuyên truyền rộng đến các doanh nghiệp, chủ nhà trọ trên địa bàn TPHCM để tất cả NLĐ đều có cơ hội nhận được hỗ trợ. Bản thân bà cũng sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân, ký xác nhận để NLĐ trong dãy trọ làm thủ tục một cách nhanh nhất.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, thông tin, hiện đơn vị đang chờ hướng dẫn bằng văn bản từ Bộ LĐTB-XH và BHXH Việt Nam. Từ ngày 31-3, BHXH TPHCM cũng đã phổ biến nội dung QĐ 08 của Thủ tướng Chính phủ đến BHXH các quận, huyện và TP Thủ Đức để chuẩn bị các điều kiện, bố trí nhân lực, cơ sở dữ liệu, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp gửi về quá trình tham gia BHXH, sẵn sàng đối chiếu danh sách BHXH của NLĐ.