Tất cả tưởng như đã thất truyền, nhưng một tay bà đã gom lại di sản trong không gian diễn xướng, đậm chất truyền thống bên bờ biển Đông.
Đi tây gom tiền dựng lại di sản
Cụ Phạm Thị Niếu kể: “Nhà có con cái sinh sống ở Czech, năm 2003 tôi đau mắt, tưởng bị mù vĩnh viễn thì chúng đưa sang để chữa mắt. Chúng muốn phụng dưỡng mẹ già ở châu Âu, nhưng trong lòng tôi lại nhớ khôn nguôi những điệu hò cổ xưa của làng biển đang dở dang phục dựng. Khi mắt được chữa lành, tôi đi thăm người thân đồng hương Nhân Trạch ở Czech và Đức. Những thế hệ con cháu sinh ra lớn lên ở châu Âu có đứa chưa biết Nhân Trạch như nào, nhưng các cháu nói, đó là quê cha đất tổ, có di sản hát hò xa xưa rất hay đang dần mai một. Ước mong của các cháu là di sản ấy được phục dựng lại, mọi người sẵn sàng chung góp kinh phí”.
Nghe nguyện vọng của những con cháu tha hương mà lòng cụ Niếu trăn trở mãi. Qua Đức chơi, cụ cũng lấy lối hò cổ xưa ra hát, bà con gốc Nhân Trạch cứ nước mắt rưng rưng, muốn đóng góp chút tiền để quê hương dựng lại di sản phi vật thể của cha ông.
Cầm trong tay số tiền đóng góp hơn 100 triệu đồng, cụ Niếu nói với con: “Mạ (mẹ) muốn về quê lúc tuổi già, ý nguyện muốn phục dựng cho được tất cả các làn điệu cầu ngư cổ xưa cho thành, sau này nằm xuống ở làng cũng là yên tâm”. Hai người con của cụ đều sinh sống ở trời tây, muốn phụng dưỡng mẹ già, nhưng nói mãi không được, đành để cụ về quê làng cát Nhân Trạch.
“Năm 2005, lần đầu tiên sau hàng chục năm, lễ hội cầu ngư xã Nhân Trạch được phục dựng thành công. Tôi đã vận động bà con dân làng, lãnh đạo xã đồng hành, cùng tâm huyết hàng chục năm từ nhỏ đến lớn thấm đẫm câu ca điệu hò mà lễ hội diễn ra thành công, nhiều vùng biển khác đến đón xem, học hỏi để về phục dựng lại cho quê hương bản quán. Chuyến đi tây như thế mà thành”, cụ Niếu kể.
Đãi cát tìm... lễ hội
Thật ra, để có một lễ hội cầu ngư sau hàng chục năm bặt tăm, cụ Niếu đã mất cả một đời để theo đuổi, tìm lại di sản của cha ông, như con dã tràng xe cát, từ lúc tóc xanh đến ngày ngả bóng.
Cụ Niếu kể: “Năm 28 tuổi, chồng mất, một nách nuôi 2 đứa con cùng mẹ già. Vừa lo buôn bán làm ăn, vừa nghĩ đến cách nào để dựng lại làn điệu làng biển hiện đã không còn. Hồi nhỏ, theo chân cha mẹ đến hội làng, tiếng trống, tiếng phách, nhịp hò, điệu khoan tiếng văn cứ vẳng lên với chân sóng rì rào. Tôi cứ nhớ da diết những vần điệu đã thấm vào hồn từ lúc nào không biết. Nhớ mà không có cách chi nghe được, vì chiến tranh, vì khó khăn mà bao câu hát cứ mất dần trên cát, không còn đội hát, không còn cầu linh, không còn kẻ xướng người xô, làng như im ắng, như mất đi phần hồn vậy”.
Xuất thân là cán bộ hội phụ nữ xã, năm 1990 cụ về hưu, 2 con trai lập gia đình, đi nước ngoài lao động và định cư ở Czech. Lúc đó cụ nghĩ, bằng mọi cách phải phục dựng lại toàn bộ điệu ca câu hát của làng biển để sau này không bị mất đi, không bị khô héo phần hồn trên cát. Cụ nhớ lại rằng, ngày xưa khi bố mẹ dẫn đi xem hát, thấy các cụ cai (người hò cái, lĩnh xướng trong ngày lễ hội) thuộc làu những điệu múa bông chèo cạn, là linh hồn của diễn xướng dân gian làng biển. Phải tìm những cụ cai như thế để di sản không bị biến mất.
Thế là cụ Niếu chân trần lội cát, đường làng là lối mòn trên cát, giữa nắng chang chang bỏng rát cũng đi tìm từng cụ cai. Mùa mưa gió cụ cũng cần mẫn đi tìm những người tóc bạc để chép lại các làn điệu cổ xưa. Cụ vừa học lời, vừa học cách múa, vừa ghi chép từ trong dân gian của các cụ cai để tránh bị thất truyền. “Có cụ trí nhớ minh mẫn, nhưng tay chân không thể múa máy được thì nói lời mà chép, có cụ múa được thì lời lại quên nên chắp lại, nối lại, hệ thống lại theo trí nhớ từ nhỏ mà tìm về với di sản ngày xưa của cha ông, để làm cho bằng được”, cụ Niếu kể.
Rồi mọi lời ca cụ Niếu đã chép, khi các cụ cai truyền hết thì người cuối cùng cũng đã về với ông bà tổ tiên. Làng biển trong con mắt các cụ cai truyền lại, quanh năm có hội hè, vì đấy là cách người dân trả ơn thần biển. Và, cụ Niếu đã hệ thống lại những lễ lạt đủ đầy như lễ “Hạ vụ” vào tháng Giêng, do các chủ tàu thuyền tiến cúng bắt đầu mùa biển mới; lễ hội “Cầu ngư” từ rằm tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch; lễ hội “Kỵ cậu” cúng tại lăng bà, lăng cậu, lăng cô vào ngày 25-5 âm lịch; lễ “Đại điểu” cầu phúc vào tháng 6 âm lịch; lễ hội “Xuân thu nhị kỳ” mở vào tháng 8 âm lịch, với mục đích là trả ơn thần ngư trên biển và bố thí cho thập loại cô hồn khi kết thúc một mùa đánh bắt tốt tươi. Vậy là, công lao đãi cát tìm lại di sản cha ông của cụ Niếu đã thành công một phần.
Mạch nguồn văn hóa được khơi thông
Sưu tầm đủ đầy các điệu hò, lối múa truyền thống là một việc khó nhưng cụ Niếu đã làm được; việc khó hơn phải làm sống lại những gì đã lĩnh hội. Cụ nói: “Đây là những loại hình nghệ thuật vừa mang tính lễ nghi, vừa mang tính tâm linh. Muốn phục dựng lại phải có không gian diễn xướng. Nghĩa là, muốn phục dựng nguyên bản, phải tái phục dựng các ngày lễ hội của làng. Tôi tiếp tục trình bày, thuyết phục và vận động lãnh đạo xã Nhân Trạch dựng lại các lễ hội của làng. Sau khi chính quyền đồng ý thì mừng khấp khởi. Năm 2005, lễ cầu ngư đầu tiên sau mấy chục năm bặt tăm được dựng lại thành công. Tôi mừng đến quên ngủ”, bà Niếu nói.
Từ đó, cụ Niếu lại vận động người đứng tuổi trong làng biển Nhân Trạch rằng, cái thời khốn khó đã qua, việc ăn đã đủ đầy hơn trước, nhà cửa khang trang, làng nay như phố xá thì chúng ta cần mỗi người một tay phục dựng cho bằng các làn điệu ra trước dân làng, trước người của cả vùng.
Trên vách tường nhà mình, cụ Niếu dành một nơi trang trọng nhất, xếp vào khung hàng trăm bức ảnh về các buổi hội hè trình diễn nghệ thuật truyền thống mà Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch do cụ đứng đầu phục dựng. Nhìn lại di sản mà cụ Niếu đã làm, mới thấy đó là một kỳ tích giữa vùng cát trắng. Nó là tâm huyết cuộc đời, là mạch nguồn cuộc sống của người phụ nữ 80 tuổi vẫn còn minh mẫn.
Chia tay xã Nhân Trạch, vẻ hiện đại của mảnh làng này qua lớp lớp nhà cửa xây dựng khang trang, của cải vật chất đủ đầy và song hành là gia tài truyền thống văn nghệ của cha ông đã được cụ Niếu phục dựng, thổi vào nguồn năng lượng mới càng làm cho Nhân Trạch không còn khô khan như những năm 1990 của thế kỷ trước. Mảnh đất này đang căng tràn nhựa sống, khi mạch nguồn văn hóa được góp phần khơi thông như một kỳ tích của người phụ nữ tuổi ngoài 80.