Người qua đời vì Covid-19 được ngân sách hỗ trợ 17,4 triệu đồng

(ĐTTCO) - Sáng 10-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ trì họp báo.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu tại họp báo

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu tại họp báo

 Phấn đấu đến ngày 15-8 hoàn thành việc hỗ trợ tới người dân lao động tự do

Về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 sao cho kịp thời và đến tận tay người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trong đợt 1, TPHCM đã hỗ trợ 365.300 lao động tự do với kinh phí 576 tỷ đồng. TPHCM cũng hỗ trợ hơn 52.000 lao động ở doanh nghiệp hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương (trong tổng số 56.000 người, chiếm 92%); hơn 5.800 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (100%), hơn 15.000 hộ (trong tổng 16.500 hộ) thương nhân ở chợ truyền thống.

TPHCM cũng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với gần 101.400 đơn vị, doanh nghiệp với quy mô hơn 2,3 triệu lao động. Số tiền được giảm mức đóng là hơn 1.061 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp hỗ trợ người lao động phòng chống dịch. Cùng với đó, 102 doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 218 tỷ đồng cho 22.300 công nhân.

Đến nay, có 44 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 9.600 công nhân, người lao động và phục hồi sản xuất với tổng số tiền 75 tỷ đồng. TPHCM cũng có chính sách hỗ trợ cho hơn 6.000 hướng dẫn viên ngành du lịch với kinh phí trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ 139 người là đạo diễn, diễn viên với kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Đồng chí Lê Minh Tấn cho biết, trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, TPHCM mở rộng đối tượng hỗ trợ, tiếp tục thực hiện gói lần 2 với kinh phí hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, TPHCM tiếp tục hỗ trợ 365.000 lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng/người/30 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Người nhận hỗ trợ là những người buôn gánh bán bưng, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn…

“TPHCM phấn đấu đến ngày 15-8 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ tới tận tay người dân lao động tự do”, đồng chí Lê Minh Tấn khẳng định.

Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ lần 2, đến nay, TPHCM đã giải ngân hỗ trợ 40 tỷ đồng. Mở rộng diện hỗ trợ, trong đợt hỗ trợ lần 2, TPHCM có mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ cho gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (gồm 1,2 triệu đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng). Đặc biệt, khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự thì được hỗ trợ.

“Cứ ai thực sự nghèo, khó khăn là được hỗ trợ. Riêng nhóm này là không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ khó khăn là được hỗ trợ”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nói.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cũng cho biết, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, nếu ai không có tài khoản cá nhân thì nhận trực tiếp. Việc chi hỗ trợ đảm bảo không bỏ sót, cũng không trùng lặp và ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên.

Kinh phí vừa từ ngân sách TPHCM, vừa từ sự hỗ trợ của cộng đồng. Riêng về chính sách nếu có người không may tử vong do dịch Covid-19, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM thông tin, TPHCM sẽ hỗ trợ 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng của người bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng), tương đương 17,4 triệu đồng cho một trường hợp không may qua đời do dịch Covid-19.

Về việc này, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, ngân sách TPHCM sẽ chi toàn bộ 17,4 triệu đồng hỗ trợ người qua đời vì Covid-19; “hoàn toàn chi từ ngân sách”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nói. Đối với việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, hỗ trợ kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn.

Không để một lao động nào ở trên địa bàn TPHCM rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ

Lý giải về một số phản ánh của người dân chưa nhận được hỗ trợ, liệu có phải bị bỏ sót hay không, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn nhấn mạnh, quan điểm của TPHCM là không để một lao động nào ở trên địa bàn TPHCM rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ. “Dứt khoát là như thế, không để sót người khó khăn cần hỗ trợ”, đồng chí Lê Minh Tấn khẳng định.

Riêng đối với hỗ trợ lao động tự do trong đợt 1, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM phân tích, để nhận hỗ trợ, người lao động cần có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM. Khu phố, ấp, tổ dân phố họp xét danh sách hỗ trợ, có cả công an khu vực tham gia và ai có cư trú hợp pháp thì mới được hỗ trợ, ai chưa có cư trú hợp pháp thì chưa được hỗ trợ. Đồng thời, người nào khó khăn, thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo của TPHCM (4 triệu đồng/người/tháng) thì được hỗ trợ chứ không phải bất cứ ai là lao động tự do cũng được hỗ trợ.

Đồng chí Lê Minh Tấn thừa nhận, thời gian qua, một số nơi làm chưa tốt thì TPHCM đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho người dân. Đồng chí đánh giá, thực tế, các địa phương làm rất tích cực, thống kê ban đầu dự kiến chỉ hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do nhưng giờ đây số người được hỗ trợ đã lên tới 365.000 người.

Đối với xe ôm truyền thống, đồng chí Lê Minh Tấn khẳng định, quan điểm của TPHCM là hỗ trợ cho xe ôm truyền thống, vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba ngã tư đường đón khách. TPHCM xác định sẽ hỗ trợ đàng hoàng, nếu người đó gặp khó khăn. “Không phải ai chạy xe ôm truyền thống thì cũng được hỗ trợ mà phải là người có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ. Nơi nào chưa hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM phân trần.

Chuyển chiến lược từ xét nghiệm tầm soát sang tập trung điều trị

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TP triển khai 5 tầng thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và mới đây dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, TP đã đưa 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19 vào hoạt động với quy mô 1.500 giường, tất cả trung tâm này đều có oxy trung tâm, bồn lọc áp lực cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, TP đã có các Trung tâm Hồi sức đã triển khai (Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện 175).

Tính đến trưa ngày 9-8, TP đã nhận được từ Bộ Y tế phân bổ 17 đợt  vaccine với 4.111.040 liều vaccine và đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm. Thành phố đã tổ chức các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 từ ngày 8-3 đến ngày 30-6, với tổng số vaccine được phân bổ cho 4 đợt này là 923.050 liều, thành phố đã tiêm được 991.872 mũi tiêm  (927.456 mũi 1 và 64.416 mũi 2).

Thành phố tiếp tục tổ chức tiêm chủng đợt 5 từ ngày 20-7 đến nay với tổng số vaccine được phân bổ là 3.187.990 liều. Tính đến 12 giờ ngày 9-8, TP đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm/3.187.990 liều vaccine được cấp.

“Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000 - 300.000 mũi/ngày. Với số vaccine còn lại là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng, dự kiến đến hết ngày 12-8, TP sẽ sử dụng hết số vaccine được cấp. Thành phố đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vaccine trong tháng 8 với tổng số liều là 5,5 triệu liều để đạt mục tiêu đạt độ bao phủ vaccine cho người dân TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, hiện Sở Y tế TPHCM đang triển khai chiến lược chuyển từ xét nghiệm tầm soát sang tập trung cho trị liệu nhằm hướng mục tiêu giảm tỷ lệ người trở nặng và giảm F0 tử vong. Việc chăm sóc y tế tại nhà, tăng cường cấp cứu 115, có chiến lược bác sĩ tình nguyện hướng dẫn người mắc bệnh, thông qua tổng đài để được tư vấn. Bên cạnh đó, TPHCM tăng cao năng lực tiêm vaccine.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM Trần Trường Sơn cho biết, kể từ tháng 5 đến nay, công tác vận động, tiếp nhận máu gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hàng loạt tua hiến máu tại các quận huyện và TP Thủ Đức bị hủy, lượng máu tiếp nhận tập trung tại các điểm hiến máu cố định (Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm hiến máu nhân đạo TP) liên tục thiếu.

Lượng dự trữ máu tháng 8 tại ngân hàng máu thiếu hụt 8.000 túi máu, trong đó nhóm máu thiếu là O, A. “Thiếu máu cấp cứu cũng như thiếu oxy trong điều trị Covid-19”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM nêu quan điểm và cho rằng, TP cần đẩy mạnh vận động hiến máu nhân đạo tại các khu dân cư; đẩy mạnh công tác vận động hiến máu cho các đối tượng cán bộ công chức viên chức…

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCMNguyễn Nguyên Phương, thời gian qua, Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức siêu thị mini, chợ nghĩa tình chủ yếu phát phiếu cho người dân mua hàng hóa tại các khu phong tỏa. Hình thức tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa đã tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.

"Hiện nay, tồn kho của phiên chợ nghĩa tình còn 836,8 triệu đồng, tương đương với 2.938 đơn hàng, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận các tài trợ của các đơn vị để tiếp tục tổ chức mô hình này. Để người dân trong các khu phong tỏa, đặc biệt là các gia đình khó khăn khó tiếp cận được những hỗ trợ thì có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp: số điện thoại 0963 870058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ”,Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCMthông tin.


Trả lời về vụ “bác sĩ Khoa”, Chánh Thanh tra Sở TT-TT TPHCM Nguyễn Đức Thọ cho hay, Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt hai chủ tài khoản Facebook vì đã “vô ý chia sẻ” thông tin chưa đúng vụ “bác sĩ Khoa”. Trước thông tin cho rằng, một nhóm người tạo ra thông tin giả để trục lợi về hỗ trợ, hiện nay, Sở đang phối hợp với Bộ TT-TT và cơ quan An ninh của Công an TPHCM để xác định cụ thể, xử lý nghiêm.

Sở TT-TT TPHCM khẳng định, cá nhân, chủ thể vi phạm trong vụ “bác sĩ Khoa” thì đều bị xử lý nghiêm. Vụ vi phạm “bác sĩ Khoa” được xác định sáng Chủ nhật thì ngay ngày thứ Hai đã có quyết định xử phạt. Và đây mới là kết quả xử lý ban đầu, vụ việc tiếp tục được làm rõ và sai đến đâu xử lý đến đó.

Các tin khác