Đi mua cua thả về biển
Thêm một con cua huỳnh đế đang mang trứng khoảng 300g lại được anh Phạm Văn Công đưa từ thuyền khai thác của ngư dân về lại biển cả. Trước đó, khi nghe tin ngư dân ở cầu cảng Lý Sơn vào bờ đem về con cua huỳnh đế đang mang trứng, anh Công tức tốc chạy xe máy đến gặp, thuyết phục ngư dân bán con cua này để anh thả về biển. “Ngư dân đi biển từ 3 giờ sáng và trở về vào buổi chiều nên tôi canh thời gian ra bến cảng gặp họ trước khi họ đi bán hải sản cho các nhà hàng. Ban đầu, họ biết tôi có ý định tốt là tiếp tục để cua huỳnh đế đang mang trứng được sinh sản trong môi trường tự nhiên nên vui vẻ bán cho tôi và còn giảm giá” - anh Công giải thích.
Anh Phạm Văn Công chuẩn bị thả một con cua huỳnh đế đang mang trứng về biển
Sau khi mua cua huỳnh đế, anh Công đem về nhà nuôi trong một thùng kính được chuẩn bị sẵn với đầy đủ bộ sục khí oxy, cát biển và nước biển để duy trì sự sống cho cua trước khi tiến hành thả về biển. Công việc thả cua về biển được anh Công cùng những người bạn âm thầm thả vào ban đêm. Anh thuê thuyền từ người tin cậy rồi chạy ra khoảng 6-7 hải lý để thả cua về biển. Các vị trí thả cua được anh Công thay đổi liên tục trên khắp khu vực biển quanh đảo Lớn và đảo Bé. “Nếu tôi thả cua vào ban ngày thì chẳng khác nào thả đầu trước, thuyền khai thác kéo đi đầu sau. Như vậy, không những cua không sống được mà còn tận diệt nhiều hải sản trong khu vực. Tôi chọn thả ban đêm vì ít người qua lại phát hiện địa điểm thả cua huỳnh đế” - anh Công lý giải.
Theo anh Công, con cua huỳnh đế mẹ có thể mang đến hàng ngàn trứng, sinh sản trong cả năm, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Số trứng trung bình trong một lần sinh sản khoảng 40.000 trứng/con. Do vậy, công việc thả cua huỳnh đế đang mang trứng về với biển là điều anh Công mong muốn để giúp những con cua mẹ tiếp tục sinh sản, phục hồi nguồn cua tự nhiên.
Việc làm này được thực hiện suốt 2 tháng nay với hơn 30 con cua huỳnh đế đang mang trứng được thả về biển. Anh Công còn lập nhóm trên mạng xã hội huy động các nguồn quỹ bảo vệ cua huỳnh đế. Có 7 người bạn đã đồng hành cùng anh và nhiều ngư dân đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ tái tạo nguồn lợi hải sản bền vững. Anh cho biết: “Ban đầu họ còn nghi ngại đối với tôi, nhất là khi tôi còn kinh doanh hành tỏi và đặc sản Lý Sơn, nhưng tôi chỉ nghĩ một việc là phải cứu cho bằng được cua huỳnh đế đang mang trứng. Đối với ngư dân thì khai thác hải sản là công việc hàng ngày để họ nuôi gia đình. Ban đầu cũng có vài trường hợp không hợp tác, nhưng sau đó hầu hết ngư dân đều đồng ý rất nhanh để giao cua huỳnh đế đang mang trứng cho tôi thả về biển”.
Thay đổi suy nghĩ ngư dân
Cua huỳnh đế được ngư dân gọi là vua của các loài cua nên dân đảo gọi là cua hoàng đế. Theo lời kể các lão ngư, ngày xưa vua đi du ngoạn trên bãi biển, thấy ngư dân đánh bắt loài cua có màu đỏ hồng như áo bào rất đẹp nên ăn thử. Thấy cua rất ngon, tốt sức khỏe nên vua truyền các địa phương có cua này dâng lên hoàng cung. Loại cua này đến nay có giá trị kinh tế rất lớn, với giá từ 700.000 - 800.000 đồng/kg bán tận thuyền. Tại các nhà hàng, giá khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/kg.
Đảo Lý Sơn có diện tích 10km2, dân số đến 22.000 người, mật độ trung bình đến 2.170 người/km2. Những năm gần đây, lượng du khách đến đảo Lý Sơn ngày càng đông, trung bình mỗi ngày có đến 1.000 - 2.000 khách; các ngày lễ, tết có đến 5.000 khách/ngày, đã gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu sử dụng hải sản tươi sống, trong đó có cua huỳnh đế. Chính vì thế, cua huỳnh đế ngày càng cạn kiệt. Ông Bùi Lương (66 tuổi, An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) có hơn 25 năm trong nghề khai thác cua huỳnh đế cho biết, ngày trước, cua huỳnh đế rất nhiều, khai thác một ngày được 30 - 40kg, nhưng đến giờ mỗi ngày chỉ khai thác được 7 - 8kg mà phải đi rất xa mới có được. Vì thế, khi biết công việc anh Công đang làm, ông Lương đã đồng hành để thu mua và thả cua huỳnh đế đang mang trứng về biển. “Thả cua huỳnh đế đang mang trứng về biển là việc làm ý nghĩa nên chúng tôi đồng hành cùng anh Công. Là dân đảo Lý Sơn, chúng tôi muốn chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có cua huỳnh đế”.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, cua huỳnh đế sống ở vùng cát gần rạng san hô quanh đảo Lý Sơn, thuộc vùng dịch vụ được thực hiện các hoạt động khai thác đánh bắt. Loài cua huỳnh đế hiện nay đang cạn kiệt, do vậy nhiều tàu phải đi xa hơn để khai thác. “Ngư dân dùng các lưới có rập vòng tròn để khai thác, khi cua mắc rập thì không thể thoát được, thậm chí một số tàu hành nghề giã cào đi ngang qua vùng biển kéo theo cả cua mẹ lẫn con, khiến nguồn hải sản cạn kiệt. Hành động bảo vệ nguồn lợi hải sản của anh Công và nhóm người dân ở Lý Sơn là rất quý, không chỉ bảo vệ cua huỳnh đế đang mang trứng mà cả những hải sản thuộc loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa sẽ tốt hơn rất nhiều” - ông Dũng nhận định.
Cùng với hoạt động thả cua huỳnh đế đang mang trứng về biển, anh Công truyền thông điệp: “Mỗi du khách đến đảo Lý Sơn hãy ngừng ăn những con cua đang mang trứng và người tiêu dùng đừng lựa chọn những con cua mang trứng. Không có người mua thì ngư dân sẽ không đánh bắt cua mang trứng nữa. Mỗi con cua mang trứng chỉ cần 3 tháng để sinh sản và hàng ngàn cua con sinh sôi ngoài biển cả”.