Người tiêu dùng biết hàng giả nhưng vẫn mua

(ĐTTCO) - Ngày 15-12, Tạp chí Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Lực lượng liên ngành kiểm tra một cơ sở tại TPHCM

Lực lượng liên ngành kiểm tra một cơ sở tại TPHCM

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, các đối tượng buôn lậu thường tìm nơi hẻm hóc, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Thậm chí, một số sàn thương mại điện tử lớn cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo.

“Có một thực tế khoảng 80% người tiêu dùng biết rằng sản phẩm là giả mạo nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Chẳng hạn, chiếc túi LV, Chanel thật có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng một chiếc, nhưng đặt mua trên mạng chỉ vài trăm ngàn đồng. Do vậy, việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng rất quan trọng”, ông Nguyễn Đức Lê nhận định.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng giả mạo xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, nhưng việc truy đuổi để xứ lý cũng không dễ dàng. Vì các mặt hàng này xuất hiện rồi tự “biến mất”, không có địa chỉ cụ thể, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Ví dụ như vụ làm giả bao bì của Vinamit rất công khai, thản nhiên trên mạng xã hội gần đây. Hiện nay, do tác động của dịch Covid-19, túi tiền người tiêu dùng bị teo lại, nên người mua chấp nhận hàng giả, mà về lâu dài đây là điều đáng báo động, “giết chết” các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Người tiêu dùng biết hàng giả nhưng vẫn mua ảnh 1Hải quan TPHCM kiểm tra lô hàng vi phạm

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị vẫn tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin chặt chẽ với cơ quan tình báo hải quan các nước để ngăn chặn hàng giả mạo, gian lận thương mại thâm nhập vào Việt Nam.

Tương tự, đối với lực lượng QLTT, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT chia sẻ, đơn vị có hàng loạt biện pháp để tăng hiệu quả phòng chống gian lận thương mại, đặc biệt giai đoạn cận Tết Nguyên đán 2022.

Cụ thể như: tập trung rà soát các chính sách pháp luật, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định còn bất cập; chủ động các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện những “con sâu” trong ngành tiếp tay vi phạm để xứ lý ngay…

Các tin khác