Natalia Klyueva bắt đầu tìm kiếm một công việc mới ở Moscow vào tháng 2 - ngay trước khi Nga tấn công Ukraine và làn sóng trừng phạt trả đũa của phương Tây.
3 tháng sau, người phụ nữ 46 tuổi này nhận ra rằng 20 năm kinh nghiệm bán hàng cấp cao của cô có ý nghĩa rất nhỏ trong một thế giới doanh nghiệp bị chiến tranh biến đổi.
“Không có nhu cầu. Thành thật mà nói, tôi rất kinh hoàng” - Klyueva nói. Cô mô tả hoạt động kinh doanh ở Nga là“ đóng băng” trong khi các công ty phương Tây đã “bốc hơi” khỏi đất nước.
Kinh nghiệm của cô về một thị trường việc làm đã thay đổi là một dấu hiệu cho thấy cách mà các lệnh trừng phạt và cấm vận kinh doanh của phương Tây đang dần dần xâm nhập vào nền kinh tế Nga - khiến các cửa hàng đóng cửa và chuỗi cung ứng bị gián đoạn - bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm bảo vệ đất nước khỏi tác động của cuộc chiến với Ukraine.
Ở một đất nước có tỷ lệ lớn người lao động được nhà nước tuyển dụng, và với việc tăng lương tối thiểu và lương hưu được phê duyệt gần đây, hầu hết người Nga đã không trải qua những thay đổi mạnh mẽ đối với cuộc sống hàng ngày.
Doanh thu tăng vọt từ xuất khẩu dầu và khí đốt cũng đã tạo điều kiện cho Điện Kremlin khuyến khích khu vực tư nhân tăng trưởng, thay vì sa thải công nhân. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khoảng 4%, tránh được mức tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch. Và lạm phát, đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ là 17,8% vào tháng 4, đã bắt đầu chậm lại.
Tatiana Mikhailova, một nhà kinh tế và học thuật sống ở thủ đô cho biết: “Giá hàng tạp hóa đã tăng, vâng, nhưng nhìn chung, không có nhiều thay đổi. Nếu bạn không bật tin tức truyền hình, bạn có thể dễ dàng có ấn tượng rằng không có gì đang xảy ra cả”.
Mặc dù số liệu thất nghiệp vẫn ổn định trên bình diện rộng, nền tảng tuyển dụng trực tuyến HeadHunter nhận thấy rằng số lượng việc làm được quảng cáo đã giảm 28% trong tháng 4 so với tháng trước chiến tranh. Các quảng cáo tuyển dụng trong lĩnh vực tiếp thị, PR, nhân sự, quản lý và ngân hàng đã giảm từ 40 đến 55%.
Các nhà kinh tế dự đoán một cuộc tranh giành việc làm sẽ khó khăn hơn. Theo các quan chức, số người làm việc làm thêm đã tăng từ 44.000 người vào đầu tháng 3 lên 138.000 người vào giữa tháng 5, và số lượng công nhân làm việc bán thời gian cũng tăng lên.
Sự thay đổi có lẽ là điều dễ thấy nhất ở các khu mua sắm và trung tâm thương mại của Nga. Tại Moscow, các cửa hàng bán các thương hiệu nước ngoài chiếm khoảng 40% diện tích bán lẻ trong các trung tâm thương mại lớn, theo công ty tư vấn bất động sản thương mại ILM.
Nhiều cửa hàng trong số đó đã đóng cửa sau khi các thương hiệu này cắt đứt quan hệ với Nga. Theo Knight Frank Russia, khoảng 15-20% cửa hàng trong các trung tâm thương mại ở Moscow hiện đã đóng cửa.
ILM cho biết vào cuối năm nay, tới 20% diện tích văn phòng của Moscow cũng có thể bị bỏ trống, chủ yếu là do sự ra đi của các công ty phương Tây.
Những tác động đó không quá rõ ràng trên toàn quốc. Mara Kanakina, một nhà tạo mẫu cá nhân đến từ Volgograd ở miền nam nước Nga, cho biết cô đã bị sốc khi đến thăm Moscow vào tuần trước. Kanakina nói: “Tôi đi dọc theo con đường Stoleshnikov, và mọi thứ đều đã đóng cửa”.
Là một doanh nhân độc lập, Kanakina cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu phụ tùng hoặc vật tư nhập khẩu. Cô tìm nguồn cung cấp quần áo và phụ kiện từ các nhà thiết kế thời trang nước ngoài và các thương hiệu phương Tây cho khách hàng trên khắp nước Nga - nhưng "toàn bộ châu Âu đã đóng cửa", cô nói.
Các nhà cung cấp đã ngừng giao dịch với khách hàng Nga. Visa và Mastercard bỏ đi đồng nghĩa với việc cô không thể thực hiện các giao dịch thẻ quốc tế. Hậu cần giao hàng tan rã.
Giờ đây, cô ấy dựa vào những người trung gian ở các nước như Georgia và Kazakhstan để đặt hàng và nhận các mặt hàng có thương hiệu phương Tây.
Việc thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng khác. Rượu nhập khẩu chiếm 40% thị trường Nga vào năm 2021, tương đương 370 triệu lít. Mikhailova cho biết các kệ rượu giờ đây trông trống rỗng hơn.
Và với việc các nhà lãnh đạo thị trường điện thoại thông minh như Samsung và Apple cắt đứt quan hệ với Nga, nhập khẩu đã giảm xuống. Ngược lại, công ty phân tích GS Group cho biết nhập khẩu điện thoại "cục gạch" kiểu cũ đã tăng 43% trong quý đầu tiên.
Khó có thể nói chính xác lượng nhập khẩu đã giảm đến mức nào, vì các nhà chức trách Nga đã ngừng công bố số liệu. Nhưng từ dữ liệu của 20 đối tác thương mại lớn nhất với Nga, các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế đã ước tính rằng nhập khẩu trong tháng 4 đã giảm 50% so với cùng tháng năm trước.
Dữ liệu về thu thuế VAT đối với hàng hóa trong nước cho thấy mức độ tiêu dùng bắt đầu giảm và hoạt động kinh tế suy giảm. Theo Bộ Tài chính, doanh thu từ thuế GTGT trong tháng 4 đã giảm 54% so với năm trước.
Mikhailova nói: “Đây chỉ là những thay đổi nhỏ đầu tiên. Các nhà kinh tế dự đoán thời gian hỗn loạn sẽ tới, bao gồm GDP giảm tới 10% và tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi vào mùa thu.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu tùy ý vào những thứ như ngày nghỉ. Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng SuperJob, 35% người Nga nói rằng họ không thể có kỳ nghỉ kéo dài một tuần trong năm nay, tăng so với mức 30% của năm ngoái.