Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá cước vận chuyển trung bình 40 container cho các tuyến từ Thượng Hải đến New York, Thượng Hải đến Los Angeles và Thượng Hải đến Rotterdam lần lượt tăng 48%, 69% và 222%.
Nguyên do là các hãng vận tải phải tăng cường thuê tàu để bù đắp cho sự thiếu hụt công suất chuyên chở khiến giá thuê tàu tăng nhanh theo xu hướng tăng của cước vận chuyển. Theo Harpex Index, giá thuê tàu trung bình từ 6-12 tháng cho 1.100 TEU và 1.700 TEU lần lượt là 35.000 USD/ngày và 44.000 USD/ngày (tăng 17% và 10% so với giá cước ngày 23-7).
Với thị trường vận tải container trong nước, giá cước trong những tháng đầu năm không có nhiều biến động như giá cước quốc tế do nhu cầu và năng lực đội tàu ổn định. Nhu cầu đối với tàu nội địa vẫn phục hồi bất chấp đại dịch, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng sản lượng container thông qua các cảng biển Việt Nam.
Thống kê 7 tháng đầu năm cho thấy sản lượng nội địa đạt 5,1 triệu TEU (tăng 26%). Trên thực tế, việc tăng/giảm giá cước theo từng tuyến riêng biệt do bất cân đối nhu cầu giữa hai chiều Bắc - Nam và Nam - Bắc dẫn đến giá cước nội địa nhìn chung khá ổn định (đơn cử giá cước tuyến Hải Phòng - TPHCM tăng trong khi giá cước TPHCM - Hải Phòng thấp hơn).
Một lý do nữa là các hãng tàu có đủ công suất đáp ứng nhu cầu trong nước. Đội tàu container của Việt Nam hiện bao gồm 36 tàu với sức chở trung bình 805 TEU, trong đó 32/36 tàu tham gia vận tải nội địa và 4 tàu hoạt động chuyên biệt trên các tuyến nội Á ngắn, như: Hải Phòng - Hồng Kông và TPHCM - Singapore.
Bất chấp tình trạng tắc nghẽn cảng quốc tế kể trên, các tàu container Việt Nam chạy các tuyến nội Á vẫn đảm bảo hoạt động, do các tuyến này có đặc tính ngắn và thời gian luân chuyển nhanh. Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), vẫn tồn tại nguy cơ gián đoạn hoạt động tại cảng nội địa do Covid-19 đến cuối năm 2021.
Đầu tháng 8, cảng container xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực miền Nam là Cát Lái đã xảy ra ùn tắc container, bắt nguồn từ giảm số lượng công nhân tại cảng và đình trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp do giãn cách xã hội.
Mặc dù vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động các cảng container nội địa chính, nhưng việc có thể xảy ra tắc nghẽn cảng trong thời gian tới vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này nếu xảy ra sẽ dẫn đến giá cước vận tải nội địa chịu áp lực tăng.