Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Con người - nguồn lực đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo tinh thần cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.
“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn. Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nêu.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương. Cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt.
Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? “Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Lắng nghe ý kiến của nhân dân về vấn đề biển Đông
Thủ tướng đã phát biểu làm rõ thêm về các vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm như giải ngân vốn đầu tư công; về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; về triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại DNNN, các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu…
Về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng chia sẻ sự quan tâm, lo lắng của ĐBQH trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước, nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.
Tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân
Trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng đề cập đến nhiều vấn đề xoay quanh hội nhập kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế tư nhân... Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hàm ý điều này không có nghĩa là “một mình một chợ”, mà phải xây dựng nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, có khả năng chống chịu những biến động, cú sốc của nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay dịch tả heo châu Phi khiến Việt Nam mất khoảng 8,5% tổng đàn heo, trong khi vẫn phải có biện pháp đảm bảo thực phẩm cho người dân. Điều này vẫn cần một lượng hàng hóa từ bên ngoài để bù đắp. Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ.
Từ một nước thiếu ăn, đến nay xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 4,2 tỷ USD; kinh tế tăng trưởng liên tục, có khả năng chống chịu. Chính phủ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát thấp. Việt Nam cũng đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập riêng một thị trường quốc gia nào.
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhắc đến câu nói của một chuyên gia kinh tế cho rằng muốn có Việt Nam hùng cường thì dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong, bứt phá trong tương lai, cần có giải pháp để Việt Nam có được “những người khổng lồ” đúng nghĩa.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước, đã có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Đến nay kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. “Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Thủ tướng dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ thì nên thưởng huân chương bậc cao cho họ”, và nhấn mạnh: chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân, mà bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nêu, kết quả công bố đánh giá lại quy mô GDP năm 2017 của Tổng cục Thống kê sau đánh giá lại là 275 tỷ USD, thay vì 220 tỷ USD. Theo công bố này, nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 thì quy mô GDP năm 2019 sẽ là 310 tỷ USD. Vậy chúng ta có công nhận kết quả đánh giá lại này của Tổng cục Thống kê hay không? Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết, theo thông lệ quốc tế và tính công khai, minh bạch.
Thủ tướng xác nhận, quy mô GDP mới sau tính lại tăng 25,5%, lên trên 310 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng. Việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót.
Không né tránh những vấn đề khó, phức tạp Cuối ngày 8-11, phát biểu kết luận sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có gần 250 lượt ĐBQH tham gia chất vấn và tranh luận. Các đại biểu đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Cơ bản các đại biểu hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực quản lý. |
Không chấp nhận một nền văn hóa lai căng Một số ĐB chất vấn vấn đề phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng cho rằng việc này là hết sức cần thiết. Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công. Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý nhà nước về văn hóa phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. “Chúng ta không chấp nhận tình trạng một nền văn hóa Việt Nam nhờ nhờ, không để một nền văn hóa lai căng. Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là không những phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hóa của đất nước cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp về vấn đề này, trong đó có định hướng sắp tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hóa, bỏ tư duy không quản lý được thì cấm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu, chấn chỉnh lệch lạc về văn hóa, đẩy mạnh truyền thông giáo dục về văn hóa. “Phải giáo dục từ nhỏ để các em có văn hóa, có đạo đức, biết lịch sử dân tộc, văn hóa ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh. |