ĐTTC đã trao đổi với TS. LÊ VĂN CƯ, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện các tuyến cao tốc ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do thiếu vật liệu đắp nền đường, đến nay đã có phương án để bảo đảm vật liệu thi công các tuyến cao tốc trong vùng?
Ông LÊ VĂN CƯ: - Hiện có nhiều phương án, nhưng phương án vật liệu đắp nền cao tốc tốt nhất vẫn là đất đồi, đất đỏ để xử lý những địa hình thi công cao tốc không phải xử lý nền đất yếu, chạy qua vùng sình lầy.
Đối với các địa hình cao tốc chạy qua vùng nền đất yếu, vẫn chủ yếu dùng cát sông để đắp nền đường. 2 vật liệu đắp nền cao tốc cơ bản hiện nay vẫn là đất đồi và cát sông.
Thời gian qua đã có những đề xuất sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện, cát nhiễm mặn để đắp nền cao tốc, nhưng các đề xuất này vẫn đang được nghiên cứu. Hiện tro xỉ nhà máy nhiệt điện than mới dừng ở việc sử dụng đắp nền các tuyến đường cấp xã, huyện, chưa đủ cơ sở để sử dụng đắp nền đường cao tốc.
Đã vậy tro xỉ nhiệt điện vẫn được Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá là chất thải độc hại nên các địa phương vẫn lúng túng.
Thế nhưng, sử dụng đất đồi, cát sông đắp nền cao tốc tại ĐBSCL chắc chắn sẽ đẩy chi phí đầu tư lên cao hơn khu vực miền Trung và phía Bắc. Chi phí vận chuyển vật liệu làm các tuyến cao tốc tại vùng ĐBSCL cũng rất tốn kém, tùy theo cự ly vận chuyển vật liệu đắp nền đường, chi phí đầu tư các đoạn tuyến sẽ khác nhau, nên cũng khó nói cụ thể cao gấp bao nhiêu lần.
Viện Kinh tế Xây dựng đang thẩm định đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, 2 tuyến chủ yếu phải dùng cát sông đắp nền đường, nên chắc chắn chi phí đầu tư đắt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.
- Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư kêu thiếu VLTC dẫn đến chậm tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thời gian qua. Theo ông cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Thời gian qua hầu hết dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung VLTC. Bên cạnh đó có tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân - chủ mỏ vật liệu ở các địa phương cố tình đẩy giá vật liệu lên gây khó cho việc thi công dự án.
Để khắc phục tình trạng này Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 18 về về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, để tạo thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù, như nâng công suất khai thác không quá 50% với các mỏ cát, sỏi lòng sông đang hoạt động, thời hạn khai thác thuộc khu vực ĐBSCL để phục vụ dự án. Phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản…
Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý.
- Xin cảm ơn ông.
Trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ GTVT đề xuất việc đắp nền cao tốc bằng cát nhiễm mặn ven biển, nhưng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ. Cát nhiễm mặn có sẵn ở nhiều tỉnh, thành phố ven biển, nhưng trong cát nhiễm mặn có nhiều thành phần, có thể gây ô nhiễm môi trường đất; tính chất cơ lý như độ đàn hồi, dính bám, tải trọng… của cát nhiễm mặn cũng không đáp ứng yêu cầu. |