Năm 1970, tôi rời mái trường cấp 3 Hải Hậu lên đường tòng quân, bố tôi bảo: “Con đi cố gắng rèn luyện, học tập nhé. Như bác Hiệu, quê mình ấy”. Bác Hiệu đó nay là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang, viện sĩ, tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ý chí và dấn thân
So với bạn bè cùng trang lứa, ông Nguyễn Huy Hiệu có cái may nhưng cũng có cái chưa may. May ở chỗ, ông Hiệu sinh ra trong gia đình gia giáo, có truyền thống văn hóa và yêu nước. Theo đó, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc, vị tướng tài có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10. Tuy vậy, ông cũng có cái không may, thiệt thòi. Trước khi tòng quân ra chiến trường (1965), Hiệu không được học bằng anh bằng em. Bù lại, đây cũng chính là động lực để ông phấn đấu vượt lên chính mình. Với nghị lực và ý chí của chàng trai mang dòng máu Nguyễn Bặc, ông Hiệu dấn thân cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nửa cuối thế kỷ 20, trở thành một trong những vị tướng lừng danh với những chiến công và tấm lòng nhân hậu.
Những ai đã gặp hoặc trực tiếp sống cùng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, đặc biệt đọc cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị“ của ông, sẽ phần nào hiểu được cuộc đời chiến trận của vị tướng, người anh hùng trẻ tuổi này. Thời cắp sách tới trường, chúng tôi đã nghe danh Nguyễn Huy Hiệu. Nhiều câu chuyện truyền miệng kể cho chúng tôi về ông như trong cổ tích, huyền thoại. Có người bảo ông là nguyên mẫu để nhà viết kịch đồng hương Hải Hậu Đào Hồng Cẩm viết lên vở kịch nổi tiếng một thời “Đại đội trưởng của tôi”. Có người lại nói, Nguyễn Huy Hiệu là nguồn cảm hứng để các nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn sáng tạo những tác phẩm đề đời, trong đó có ca khúc Đợi (nhạc Huy Thục, thơ Vũ Quần Phương)… Giai thoại là giai thoại. Cho đến sau này được gần gũi ông, tôi cảm nhận rằng, lời đồn, tiếng thơm ấy chẳng ngoa.
Cuộc đời chiến trận của Nguyễn Huy Hiệu gắn liền với những bước ngoặt, mốc son của đất nước và quân đội ta: chiến dịch Mậu Thân (1968), chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), Chiến dịch Quảng Trị (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975); Biên giới phía Bắc (1979) và cả khi đất nước không có giặc ngoại xâm nhưng phải chiến đấu với ”giặc“ thiên tai, bão lũ.
Dù luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thành công trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn xác định được vị trí của mình. Mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì? Ông tâm sự những gì có được hôm nay, trước hết nhờ hồng phúc tổ tiên, ông bà; công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; sự rèn luyện, giáo dục của Đảng, quân đội; đặc biệt sự hy sinh, giúp đỡ, bao bọc của đồng đội và nhân dân. Điều ấy trở thành chân lý, lẽ sống của ông. Vì thế, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu, ông phấn đấu hết sức mình để lo cho đồng đội, đặc biệt những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nhân hậu và sẻ chia
Nhân hậu và sẻ chia
Mảnh đất chiến trường xưa Quảng Trị đã trở thành quê hương thứ 2 của ông. Nguyễn Huy Hiệu vận động mọi người chung tay lo cho liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đang gặp khó khăn. Hàng năm, ông và người bạn đời của mình - Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Lại Thị Xuân đều trở về Quảng Trị. Trước dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và trước hàng ngàn ngôi mộ đồng đội, nhiều mộ chưa xác định được danh tính, ông không cầm được nước mắt. Ông tự hứa với mình phải suy nghĩ và hành động đúng lương tâm và trách nhiệm với đồng đội đã quên mình vì nghĩa lớn.
Nhiều người còn nhớ về bà má miền Nam và tấm bản đồ Chi khu quân sự Lái Thiêu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975. Lúc ấy, Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Quân đoàn 1. Nhờ có tấm bản đồ bà má miền Nam (Sáu Ngẫu) trao, Nguyễn Huy Hiệu và lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 27 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất xương máu của bộ đội trước ngày toàn thắng. Tôi có dịp nhiều lần cùng ông Hiệu trở lại mảnh đất chiến trường xưa nơi cửa ngõ Sài Gòn ấy, mới thấy hết sự nghĩa tình, thủy chung của những người lính Bộ đội Cụ Hồ của Trung đoàn mang tên Triệu Hải.
Đối với nơi chôn nhau, cắt rốn, Nguyễn Huy Hiệu được mọi người ghi nhận là một trong những người con đầy ắp nghĩa tình với quê hương. Với mối quan hệ của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã vận động bạn bè ủng hộ để xây dựng các công trình văn hóa, dân sinh, góp sức, chia sẻ với quê hương như trường học, bệnh xá, nghĩa trang liệt sĩ, nhà truyền thống… Đặc biệt ông góp sức xây dựng khoa Đông Y thuộc Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng danh Bệnh viện Anh hùng. Ngay cạnh dòng sông Sẻ nơi thấm đẫm kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi, có những công trình văn hóa mang đậm dấu ấn Nguyễn Huy Hiệu.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu không chỉ thành công trong chiến trận mà cả nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả của gần chục cuốn sách viết về khoa học quân sự, đường lối đối ngoại quân sự và về phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi trường… Đọc các tác phẩm của ông, người ta nhận ra tác giả của nó không chỉ có tâm huyết, trách nhiệm, còn có sự nghiêm túc, chỉn chu trong nghiên cứu khoa học.
Ai cũng biết, "phương châm 4 tại chỗ" trong phòng chống bão lụt ngày càng thiết thực với đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương hàng năm có trên 10 trận bão lớn này. Tác giả của nó chính là Thượng tướng Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu. Ông đúc kết thực tiễn và đưa ra phương châm ấy khi đảm nhiệm trọng trách Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. "Phương châm 4 tại chỗ", hiện nay không chỉ áp dụng khi có bão lụt, thiên tai mà cả các trường hợp khác. Khi đất nước có sự biến, lâm nguy, người ta cũng áp dụng "phương châm 4 tại chỗ" của Nguyễn Huy Hiệu.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và con cháu mai sau noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.