Nhà bán lẻ cạnh tranh nhà sản xuất

Sau vài năm tập trung xây dựng, hiện nay các hệ thống siêu thị lớn đã hình thành được một dòng sản phẩm nhãn hàng riêng với giá cả và chất lượng hợp lý. Với lợi thế về kênh phân phối và nắm rõ nhu cầu của thị trường, dự báo xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới, tạo ra một sự cạnh tranh lớn trên thị trường giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ.

Sau vài năm tập trung xây dựng, hiện nay các hệ thống siêu thị lớn đã hình thành được một dòng sản phẩm nhãn hàng riêng với giá cả và chất lượng hợp lý. Với lợi thế về kênh phân phối và nắm rõ nhu cầu của thị trường, dự báo xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới, tạo ra một sự cạnh tranh lớn trên thị trường giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ.

Nhà bán lẻ tập trung sản phẩm riêng

Nhãn hàng riêng thường phát triển từ các siêu thị do có ưu thế về hệ thống phân phối và uy tín thương hiệu. Đây là sân chơi dành cho những nhà bán lẻ lớn, có năng lực tài chính, kênh phân phối rộng và lượng khách cao.

Trong thị trường nhãn hàng riêng, hiện các siêu thị như Metro Cash & Carry Việt Nam, Big C, Co.opmart, Vinatex Mart… đang có sự cạnh tranh khá gay gắt. Kết hợp với việc phát triển hệ thống phân phối, các siêu thị này không ngừng đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng, tập trung vào phân khúc hàng tiêu dùng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc…

Trào lưu kinh doanh nhãn hàng riêng xuất phát từ Metro Cash & Carry ngay từ lúc đặt chân đến Việt Nam, đã phân phối một chuỗi các nhãn hàng riêng như Fine Food, Aro, Horica Fine Dreaming, Sigma… Nhưng khi đó sản phẩm nhãn hàng riêng không được chú ý nhiều.

Mãi đến lúc kinh tế khó khăn, Co.opmart bắt đầu đẩy mạnh phát triển nhãn hàng riêng theo hướng giá rẻ, chất lượng phù hợp và thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, nhãn hàng riêng mới bắt đầu nở rộ.

Hiện hệ thống siêu thị Co.opmart đã phát triển khoảng 150 mặt hàng mang nhãn hàng riêng như gạo, nước mắm, bún gạo, trà, trứng, bánh tráng, thịt nguội, giò lụa, đồ hộp, hóa phẩm, đồ dùng trong nhà, hàng may mặc…

Với Big C, khi gia nhập thị trường đã tung ra nhãn hàng riêng thịt nguội eBon. Đi theo xu hướng này, những năm gần đây Big C bắt đầu xây dựng nhiều dòng sản phẩm mới như nhãn hàng riêng “Wow! Giá hấp dẫn”, Bakery Big C.

Không dừng lại ở đó, gần đây Big C đã liên kết với 70 DN sản xuất để liên tục tung ra hàng loạt mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm có giá rẻ hơn từ 10-20% so với những sản phẩm dẫn đầu thị trường. Một đại diện của Big C cho biết, sở dĩ họ phát triển mạnh các nhãn hàng riêng với giá rẻ vì tận dụng kênh quảng bá sản phẩm ngay tại siêu thị, không mất chi phí cho việc quảng cáo cũng như tận dụng được hệ thống nhân sự, hệ thống vận chuyển sẵn có.

Những khoản tiết kiệm đó được đầu tư vào để hạ giá thành sản phẩm. Dù thị phần còn khá nhỏ trong toàn bộ sản phẩm các siêu thị cung cấp cho thị trường, song sự phát triển rầm rộ của các nhãn hàng riêng đang hình thành một cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong việc phát triển nhãn hàng riêng trên những sản phẩm cùng chủng loại để lôi kéo người tiêu dùng.

Nhà sản xuất lo ngại

Theo ông Darin Williams, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, sản phẩm nhãn hàng riêng đã phát triển rất mạnh tại Australia, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và một số thị trường khác. Trong khi đó, nhãn hàng riêng và nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về loại sản phẩm này chỉ mới bắt đầu trong những năm gần đây nhưng sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Hệ thống siêu thị có thế mạnh để phát triển nhãn hàng riêng.

Hệ thống siêu thị có thế mạnh để phát triển nhãn hàng riêng. 

Có thể nói, xu hướng kinh doanh này đang tạo ra một hiệu ứng tốt. Song ở góc độ khác, các DN sản xuất lại đang vướng nhiều khó khăn khi các dòng sản phẩm này phát triển. Theo một số DN, nếu đưa hàng mang thương hiệu của công ty vào siêu thị phải chiết khấu rất cao, phải chịu thêm chi phí hàng tồn ra và sau 60 ngày mới được nhận tiền hàng.

Nhưng nếu gia công nhãn hàng riêng cho siêu thị, chi phí kinh doanh chưa đến 10%. Đồng thời, các siêu thị cũng ưu tiên kệ hàng cho những sản phẩm của DN. Do vậy, ngày càng có nhiều DNNVV tham gia gia công để phát triển nhãn hàng riêng cho siêu thị.

Giám đốc một công ty hóa mỹ phẩm trên địa bàn TPHCM cho biết, dù có được một số lợi thế khi chấp nhận gia công cho các nhà bán lẻ, song sau một thời gian liên kết, lượng sản phẩm của DN sẽ giảm đi, trong khi lượng nhãn hàng riêng tăng lên.

Thậm chí, một số nhà phân phối còn đề nghị DN cắt các mặt hàng cùng loại với hàng nhãn riêng đang gia công cho họ. Các nhà bán lẻ có lợi thế vì có được thông tin về lượng hàng hóa tiêu thụ mà các nhà sản xuất không dễ có được.

Còn nhớ trước đây Lix là một thương hiệu bột giặt nổi tiếng của Việt Nam, nhưng do sự cạnh tranh quá lớn của sản phẩm bột giặt như Omo, Tide, nên ngoài sản xuất Lix còn nhận gia công cho Omo. Khi nhãn hàng riêng của các siêu thị phát triển, Lix cũng được mời tham gia, kết quả là Lix tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất song thương hiệu này dần vắng bóng trên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, để có thể đứng vững trong bối cảnh các đại gia bán lẻ đang gia tăng nhãn hàng riêng, các DN phải luôn đổi mới sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối đến những kênh bán lẻ truyền thống khác, đầu tư chuỗi cung ứng để giảm chi phí, tăng dịch vụ nhằm bảo vệ thị phần của mình trên thị trường.

Các tin khác