Chịu sự điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như NHTM nội địa, nhưng năm nay NH nước ngoài tại Việt Nam được NHHN cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa bằng mức vốn điều lệ của tổ chức đó. Lợi thế này đang góp thêm phần gia tăng áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa NH nội địa và khối NH nước ngoài.
Huy động tăng, nợ xấu giảm
Trong báo cáo số liệu hoạt động tháng 1-2012 của hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM, có thể thấy rõ các NH, chi nhánh NH nước ngoài và NH liên doanh (gọi chung là NH nước ngoài) có kết quả hoạt động khá tốt và bảo đảm an toàn cơ cấu giữa nguồn vốn huy động và cho vay.
Về mặt kỹ thuật chuyên môn NH nước ngoài cao hơn NH nội, họ lại có kinh nghiệm hơn nên vào thị trường Việt Nam họ triển khai nhanh. NH nước ngoài chỉ có điểm thua duy nhất là ít hiểu về thị trường Việt Nam so với NH nội địa. Nhưng để khắc phục điều này, họ đã thuê người Việt Nam giỏi làm với mức lương cao. Vì thế, thách thức gây áp lực cho NH nội địa hiện nay là việc NH nước ngoài “bành trướng” hoạt động của mình”. Ông ĐỖ MINH TOÀN, |
Thí dụ, về huy động vốn, NHTM nhà nước có con số huy động tuyệt đối cao nhất với 249.769 tỷ đồng nhưng chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi các NH nước ngoài chỉ đạt 116.837 tỷ đồng nhưng tăng 32,15% so với cùng kỳ 2010.
Trái với huy động tăng cao, tăng trưởng tín dụng của các NH nước ngoài giảm 0,93% so với tháng trước, trong đó nhóm NH liên doanh giảm 3,04% so với tháng trước, nhưng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tính đến ngày 31-12-2011, tỷ lệ nợ xấu của NH nước ngoài chỉ chiếm 1,14%, trong khi khối NHTM nhà nước 5,29% và NHTMCP 2,8%.
Lý giải về các số liệu trên, một quan chức NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng khối NH nước ngoài đã hoạt động thành công không chỉ ở mảng kinh doanh bán buôn, bán lẻ mà cả mảng tín dụng.
Dù không chạy đua vượt trần huy động như nhiều NHTM nội địa, nhưng các NH nước ngoài vẫn chiếm được thị phần huy động lớn nhờ chất lượng dịch vụ phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp.
Đặc biệt, các NH nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered… đã bắt đầu đẩy mạnh mảng dịch vụ tài khoản tiền gửi thanh toán, quản lý dòng tiền dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện qua việc NH Standard Chartered đang đẩy mạnh mảng dịch vụ thẻ ghi nợ bằng chương trình khuyến mại hoàn lại 9% tiền mặt cho khách hàng thanh toán bằng thẻ Standard Chartered khi mua sắm.
Hiện nay NH này liên tục tung ra các chiến dịch mời chào khách hàng mua bảo hiểm qua NH, vay vốn tín chấp và mở tài khoản tại Standard Chartered với hàng loạt ưu đãi.
Mở rộng tín dụng 2012
2011 đối với các NH nước ngoài là một năm kinh doanh không như mong đợi, bởi vướng trần tăng trưởng tín dụng không quá 20% của NHNN. Lợi nhuận trong năm của các NH nước ngoài có được chủ yếu ở mảng dịch vụ. Bởi chưa đến nửa năm 2011 các NH nước ngoài đã cạn “room” tăng trưởng tín dụng.
Nhiều NH nước ngoài thừa nhận đã phải lách bằng cách chuyển các hợp đồng tín dụng qua cho NH mẹ ở nước ngoài giải quyết để tránh bị áp “room” tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, “nút thắt” này trong năm 2012 đã được tháo dần khi NHNN cho phép NH nước ngoài tăng trưởng tối đa bằng mức vốn điều lệ của tổ chức đó.
NHNN cho rằng mức tăng trưởng tối đa bằng mức vốn điều lệ mới vẫn có thể an toàn do những NH nước ngoài có khả năng quản trị rủi ro tốt, ít bị rủi ro về nợ xấu.
Khách hàng giao dịch tại HSBC. Ảnh: LÃ ANH |
Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 50 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 5 NH liên doanh. Trong năm qua hầu hết các tổ chức này đã hoàn thành điều kiện tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ.
Tính đến ngày 31-12-2011, NH 100% vốn nước ngoài HSBC, Standard Chartered, ANZ, Hong Leong có vốn điều lệ/vốn được cấp là 3.000 tỷ đồng. Riêng NH Shinhan Vietnam hơn 7.500 tỷ đồng. Các NH liên doanh như VID Public Bank có vốn điều lệ/vốn được cấp là 62,5 triệu USD, Indovina Bank Limited 165 triệu USD, Veieth Thái Vinasiam Bank 61 triệu USD, Việt Nga Vietnam-Russia Joint Venture Bank 168,5 triệu USD.
Còn lại 50 chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam tính đến 31-12-2011 đều vượt con số 15 triệu USD vốn theo quy định. Với quy định mới của NHNN về tăng trưởng tín dụng, các NH nước ngoài sẽ có cơ hội gia tăng thị phần cho vay trong năm 2012.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng có một thực tế tính năng động của NH nước ngoài trong cho vay không cao. Bởi lẽ với một thị trường như Việt Nam không quá lớn để các NH nước ngoài có thể thay đổi các chính sách hay chuẩn cho vay ngặt nghèo từ hội sở chính.
Vì vậy, không phải quá lo các NH nước ngoài sẽ cạnh tranh khốc liệt ở mảng tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, năm 2012 NH nước ngoài là một trong những mối lo lớn nhất trong cạnh tranh của các NHTM nội địa vì họ có cơ hội phát triển rất nhanh.