Thống kê cho thấy, mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) của các nhà băng năm nay tăng ít nhất 10%, và cao nhất 114% so với năm ngoái. Liệu các ngân hàng (NH) có tự tin tỏa sáng?
Những con số kỳ vọng khả quan
Quý I-2024, SeABank là NH đầu tiên chính thức công bố kết quả kinh doanh với con số lợi nhuận khả quan, đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023, và rất tự tin về con số tăng trưởng lợi nhuận năm nay. Theo tài liệu đại hộicổ đông năm 2024, SeABank đặt mục tiêu LNTT đạt 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023.
Tại ĐHCĐ mới đây, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB cho biết, NH ghi nhận lợi nhuận 2.600 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Mức này giảm nhẹ so với mức lợi nhuận 2.694 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do có một tháng nghỉ Tết, đồng thời hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) tại NH có sự giảm sút sau những khó khăn của thị trường bảo hiểm.
Với cả năm, VIB có mục tiêu tăng trưởng LNTT 13% so với năm 2023 khi đưa ra 12.045 tỷ đồng. Năm nay, với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, VIB kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000-1.500 tỷ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của OCB cho thấy, LNTT năm 2023 đạt 4.139 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022. So với báo cáo chưa kiểm toán, LNTT của OCB đã giảm 1.088 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này do chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng.
Tuy nhiên, OCB vẫn lên kế hoạch LNTT 2024 tăng đến 66% so với năm 2023, với mức 6.885 tỷ đồng. Gần đây lãnh đạo OCB tiết lộ, kết thúc quý I, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, huy động vốn cũng tăng khoảng 5%, lợi nhuận đạt khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng.
Hiện các NH khác cũng đã lần lượt công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay. Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 10% so với năm 2023, tương ứng với con số hơn 44.000 tỷ đồng. MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024, lên 28.800 tỷ đồng.
VPBank đưa ra mục tiêu LNTT hợp nhất năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng, trong đó riêng NH mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng. Techcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 18,4% lên 27.100 tỷ đồng.
Năm nay, LPBank đặt mục tiêu LNTT 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023. NamABank đã thông qua cổ đông mục tiêu LNTT hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 21%.
VietBank đề ra 2 kế hoạch kinh doanh cho năm 2024. Theo kế hoạch cơ sở, mục tiêu LNTT là 950 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả 2023; còn theo kế hoạch phấn đấu, VietBank đặt mục tiêu LNTT tăng 29% lên mức 1.050 tỷ đồng. Saigonbank lên kế hoạch LNTT năm 2024 là 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023.
Lạc quan vì đâu?
Một số thống kê về lợi nhuận đã công bố cho thấy, năm 2023, tính bình quân 27 NH niêm yết chỉ hoàn thành 85% kế hoạch LNTT. Trong đó, chỉ có 10/27 NH đạt hoặc vượt kế hoạch. Tính chung toàn hệ thống, LNTT chỉ tăng trưởng 3,8% so với năm trước 2022, mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Lợi nhuận đi chậm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, khiến thu nhập bị sụt giảm, chi phí vốn lại gia tăng, nợ xấu toàn ngành tăng vọt. Nhiều NH đã ghi nhận nợ xấu gấp nhiều lần số đầu năm phải gia tăng trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, những con số vừa công bố năm 2024 cho thấy, các nhà băng đang rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm nay. Kể cả một nhóm NHTMCP năm ngoái không hoàn thành chỉ tiêu, cũng có vẻ tự tin sẽ lấy lại phong độ trong năm tài chính này.
Chẳng hạn, LNTT năm 2023 của TPBank chỉ hoàn thành 64% kế hoạch (đạt 5.589 tỷ đồng), nhưng năm nay đề ra mục tiêu LNTT NH riêng lẻ là 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2023. Hay như LNTT năm 2023 của Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước, do nguồn thu chính sụt giảm, trong khi dự phòng rủi ro tăng mạnh. Song nhà băng này vẫn mạnh mẽ đề ra mục tiêu đến 5.180 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 90,5% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Tại ABBank, LNTT năm 2022 là 1.686 tỷ đồng, chỉ đạt 55% kế hoạch. Trong năm 2023, LNTT đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022. Ban lãnh đạo NH giải thích, LNTT năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao.
Ngoài ra, NH cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm. Và chốt tại đại hội cổ đông vừa qua, NH đã thông qua cổ đông mục tiêu LNTT năm 2024 là 1.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023.
Phía VietABank cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 với LNTT là 916 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Dẫu vậy, VietABank cũng đặt mục tiêu LNTT năm 2024 tăng 15% so với kết quả năm 2023, đạt 1.058 tỷ đồng.
Nền kinh tế đang có những động lực thúc đẩy tăng trưởng, như sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu từ mức nền thấp cùng kỳ, sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ hạ lãi suất, và chính sách tài khóa đẩy mạnh đầu tư công. Các động lực khác như vốn FDI, tiêu dùng nội địa được cải thiện.
Song song đó nhiều tổ chức cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng tăng chậm đầu năm nhưng tăng nhanh về cuối năm. Diễn biến đó cộng với xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản, là cơ sở để dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 khả năng cao vẫn đạt mức 14-15% như NHNN đề ra.
Trong một hội thảo gần đây, bà Đỗ Hồng Vân, CTCP FiinGroup Việt Nam cũng dự báo, lợi nhuận của ngành NH năm 2024 kỳ vọng sẽ tăng tốc từ mức nền thấp 2023 nhờ môi trường vĩ mô dần cải thiện. Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ngành dự kiến đạt từ 12-15% (năm 2023 chỉ tăng 3,5%). Động lực đến từ việc tín dụng tăng trưởng trở lại khi kinh tế dần hồi phục, NIM tiếp tục cải thiện nhờ chi phí vốn đầu vào ở mức thấp.
Tuy nhiên, đó cũng vẫn chỉ là dự báo. Trong khi đó nền kinh từ ngoại lai đến nội tại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại lãi suất dù hạ nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ. Khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn ở phía trước và chưa thấy lối ra, lẽ đương nhiên hệ thống NH phải cùng xuồng với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Năm 2024, nền kinh từ ngoại lai đến nội tại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại lãi suất dù hạ nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ. Khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn ở phía trước và chưa thấy lối ra, thì lẽ đương nhiên hệ thống NH phải cùng xuồng với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.